TN - Đất & Người

Khi chính sách dân tộc đi vào cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua đã có nhiều đổi thay tích cực nhờ những chính sách thiết thực và hiệu quả. Trước thềm Đại hội đại biểu các DTTS toàn tỉnh lần thứ III, Báo Gia Lai Điện tử đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu xung quanh vấn đề này.
Các đại biểu chụp ảnh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu chụp ảnh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Đức Thụy
 
* Ông Hmrik (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku): Buôn làng ngày càng khang trang, sạch đẹp
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào DTTS bằng nhiều chính sách thiết thực. Năm nay, làng Ia Nueng chúng tôi được thành phố chọn để xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu trong đồng bào DTTS. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước hơn 1,45 tỷ đồng, làng đã tiến hành xây dựng cổng làng, hệ thống cống thoát nước, tường rào, khuôn viên hội trường và 6 giọt nước; hiện đang thi công bồn hoa và trồng hoa dọc hai bên đường dẫn từ cổng làng vào Nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhìn bộ mặt của làng khang trang, sạch đẹp, bà con chúng tôi phấn khởi lắm. Ai cũng cố gắng chung tay hoàn thành các tiêu chí để góp phần đưa làng trở thành làng nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm nay.
Tôi cũng hy vọng rằng, sau đại hội này, sẽ có nhiều những làng đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện tương tự để đời sống của họ được cải thiện.
 
* Ông Yek (làng Ktu, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang): Chính sách dân tộc giúp đồng bào cải thiện cuộc sống
 Làng Ktu có 120 hộ, trong đó có 21 hộ là dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ này đã cơ bản ổn định cuộc sống, hòa nhập, đoàn kết với dân làng tại chỗ. Ngoài ra, bà con DTTS chúng tôi hàng năm còn được cấp phát miễn phí muối i ốt, gạo, giống cây trồng, phân bón các loại để phát triển sản xuất; được cấp thẻ bảo hiểm y tế và tiếp cận với các dịch vụ y tế dễ dàng, ai ốm đau, sinh con cũng đều lên Trạm Y tế xã hoặc các bệnh viện tuyến trên để chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, các trường học trên địa bàn được xây dựng khang trang, Nhà nước còn hỗ trợ tiền, gạo giúp con em trong làng vượt khó đến trường học chữ. Hiện nay, làng có gần 100% trẻ em đến trường đúng độ tuổi, số lượng các cháu học lên cấp THPT và đại học ngày càng tăng…
Giờ đây, nếp nghĩ và cách làm của dân làng đã thay đổi nhiều, tất cả cũng nhờ vào sự tuyên truyền, vận động, kịp thời quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Tuy vậy, số hộ nghèo của làng vẫn còn nhiều (khoảng 30 hộ) nên tôi cũng mong muốn đại hội lần này sẽ có những quyết sách hay, sát thực để triển khai đến từng buôn, từng làng nhằm giúp bà con giảm nghèo bền vững.
 
* Bà Đinh Thị Bray (làng Groi, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ): Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người DTTS đạt hiệu quả
Từ năm 2014 đến nay, nhiều thanh-thiếu niên người đồng bào DTTS ở làng Groi nói riêng và toàn xã Ya Hội nói chung đã được tạo điều kiện theo học tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện Đak Pơ, thị xã An Khê. Sau khi được đào tạo các nghề như: trồng trọt, chăn nuôi, thú y, cơ khí, sửa chữa xe máy, thợ nề…, đa phần các em đã nắm bắt được kiến thức và áp dụng vào thực tiễn, góp phần tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các ban ngành, đoàn thể của xã cũng tổ chức 1-2 lớp tập huấn nghề nghiệp hàng năm về dệt thổ cẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho nhân dân ở các làng nên giúp ích khá nhiều trong quá trình phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Là cán bộ phụ nữ người DTTS của xã, tôi còn được cử đi tham gia nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ ở huyện, tỉnh. Qua đó, tôi không những tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mà còn có động lực hơn trong công việc, bởi tôi nhận thấy vai trò của người DTTS chúng tôi ngày càng được Đảng và Nhà nước đề cao, coi trọng.       
 HỒNG THI (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm