Kinh tế

Khi giá xăng dầu đã tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng (2.100 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu) thì giá hàng hóa trên thị trường đã đồng loạt tăng theo, mạnh nhất là cước vận tải, các nhóm hàng thực phẩm công nghiệp, dịch vụ…

Với mức tăng 5-10%, cước vận tải taxi đang là nhóm mặt hàng tăng giá mạnh nhất và chịu tác động trực tiếp từ việc xăng dầu tăng giá. Tuy vậy, việc tăng giá loại hình vận tải chỉ tác động với một nhóm người nên mức độ ảnh hưởng không cao. Theo ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Hãng taxi Mai Linh tại Gia Lai thì lượng khách đi taxi vẫn không giảm, cụ thể là doanh thu tăng hơn so với thời điểm trước khi tăng giá cước.

Thực tế cho thấy, việc tăng giá cước vận tải hàng hóa là điều đáng lo ngại, bởi nó ảnh hưởng đến đại bộ phận dân cư. Mọi hàng hóa muốn lưu thông được phải vận chuyển hoặc trung chuyển bằng các phương tiện như xe máy, xe tải, xe container… mà những loại xe này đều phải chạy bằng xăng dầu. Theo một khảo sát thì giá cước vận tải hàng hóa hầu hết đều đã tăng lên 5-10 giá. Chẳng hạn giá cước vận tải mặt hàng phân bón từ TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai trước chỉ khoảng 420.000-440.000 đồng/tấn thì nay đã tăng 480.000 đồng/tấn, các mặt hàng khác như vật liệu xây dựng, thiết bị trang trí nội thất... giá cước cũng cao hơn.

Áp lực tăng giá luôn đè nặng lên vai mọi người. Ảnh: L.L
Áp lực tăng giá luôn đè nặng lên vai mọi người. Ảnh: L.L

Nhưng tăng cao nhất và chịu tác động rõ rệt nhất là các mặt hàng tiêu dùng. Bà Phan Thị Sen chuyên lấy hàng tôm cá từ Quy Nhơn lên buôn bán tại Gia Lai, cho biết: “Hiện một giỏ hàng gửi lên đã tăng thêm 5 -10 ngàn đồng (tùy loại giỏ nhỏ hay lớn). Tiền vận chuyển tăng đương nhiên giá thành hàng hóa cũng “đội” lên theo.

Mặt hàng trái cây cũng tăng giá không kém. Chị Phượng-chuyên kinh doanh trái cây trên đường Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku)-cho hay: “Hầu hết giá các loại trái cây đều tăng thêm vài ba ngàn đồng một ký. Nhưng tăng cao nhất là cam, quýt. Giá cam sành từ 15.000 đồng/kg nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg”.

Theo thống kê của Sở Công thương: 2 tuần gần đây giá cả một số hàng hóa đã có sự biến động mạnh, trong đó nhóm nhiên liệu tăng mạnh nhất như: Gas, xăng dầu; tiếp đến là nhóm hàng mặt hàng nông sản, phân bón; nhóm thực phẩm công nghệ; thực phẩm tươi sống tăng khá cao. Cụ thể: Gas tăng bình quân trên 40.000 đồng/bình 12 kg, cà phê tăng 700 đồng/kg, tiêu tăng 1.000-2.000 đồng/kg, phân bón Đầu Trâu tăng 200 đồng/kg; muối, đường đều tăng thêm 500 đồng/kg; gạo tăng 1.000 đồng/kg; thịt heo tăng 10.000 đồng/kg, thịt bò tăng 20.000 đồng/kg; các loại rau củ tăng từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg…

Đánh giá tình hình tăng giá của hàng hóa do tác động tăng giá xăng dầu, ông Huỳnh Ngọc Tục-Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Một số mặt hàng đã tăng giá (khoảng 5%), chủ yếu là mặt hàng thực phẩm công nghệ không sản xuất tại Gia Lai. Nguyên nhân vẫn là do cước vận tải tăng cao, đội giá thành sản phẩm lên. Cũng theo ông Tục thì đến thời điểm này Gia Lai vẫn chưa phát hiện ra trường hợp tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên để loại trừ tình trạng một số người buôn bán lợi dụng xăng dầu tăng giá để tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”, Sở sẽ tăng cường chức năng kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Bên cạnh những lo lắng giá cả tăng cao thì cũng có tín hiệu vui khi các hãng xe khách đường dài, đặc biệt là tuyến Pleiku đi TP. Hồ Chí Minh, tính toán “co kéo” giữ nguyên giá cước như cũ. “Không phải cứ xăng dầu tăng giá thì cước vận tải khách cũng tăng theo, bởi làm như thế sẽ rất khó cạnh tranh và giảm uy tín với khách hàng”-chủ một hãng xe khách chia sẻ. Cũng theo vị Giám đốc này, để bù vào phần nhiên liệu tăng cao thì hãng vận động anh em tài xế nâng cao tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí như chỉ khởi động máy trước khi xuất bến, chạy đều để tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế thấp nhất việc vi phạm Luật Giao thông Đường bộ tránh gây tổn thất cho doanh nghiệp hoặc sửa chữa, bảo dưỡng xe ngay tại xưởng của doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí…

Cách làm này của các hãng xe khách phần nào giảm gánh nặng tăng giá đối với người tiêu dùng, cụ thể là hành khách đi xe đường dài. Nếu như nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lưu tâm vấn đề tiết giảm chi phí thì sẽ mang lại hiệu quả và giải tỏa phần nào áp lực tăng giá lên người tiêu dùng.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm