Pháp luật

Tin tức

Khi y đức bị… quy đổi thành tiền (bài cuối)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

* Bài cuối: Ai trục lợi nhiều nhất?

(GLO)- Trong quá trình điều tra, có cán bộ y tế đã phải nộp lại tiền sai phạm đến 1 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ họ đã bất chấp pháp luật để trục lợi rất lớn từ chính việc đấu thầu thuốc chữa bệnh.

Thông thầu để tư lợi

Từ việc được đem dữ liệu thông tin xét thầu ra khỏi cơ quan, ông Phan Minh Hiếu dễ dàng “bắt tay” với đối tác tham gia dự thầu bất chấp sự bảo mật thông tin. Cụ thể, trước khi xét thầu, ông Hiếu có gửi mặt hàng Medoclav 625 mg của Công ty TNHH Dược Kim Đô (Công ty Kim Đô) cho Công ty cổ phần Vật tư Y tế Gia Lai đưa vào dự thầu và trúng trong năm 2008, 2009 và 2010. Công ty Kim Đô trích phần trăm từ doanh số bán tất cả các mặt hàng của Công ty này tại thị trường Gia Lai, Kon Tum với số tiền trên 1,9 tỷ đồng cho ông Hiếu.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Không những thế, chỉ một mình ông Hiếu là người so giá, đánh giá để lựa chọn những danh mục thuốc đề nghị trúng thầu nên đã làm qua loa các hồ sơ kỹ thuật (GMP, CPP, số đăng ký, xuất xứ hàng hóa…) dẫn đến 7 mặt hàng thuốc dự thầu sai khối nước sản xuất, trong đó có mặt hàng Trimetazidin Winthrop 20 mg của Công ty Kim Đô và 16 mặt hàng thuốc sai quy định. Sau khi bị bắt để điều tra, ông Hiếu đã nộp 1 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả.

Tương tự, trong quá trình xây dựng danh mục chi tiết thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, ông Đoàn Cường không tham khảo trên website của Cục Quản lý Dược mà lấy theo báo giá của các đơn vị được chỉ định thầu. Đồng thời, trước khi tổ chức đấu thầu, ông Cường còn gửi danh mục chi tiết thuốc gây nghiện, hướng tâm thần cho đơn vị được chỉ định thầu và gửi toàn bộ danh mục chi tiết thuốc đấu thầu cho người có địa chỉ thư điện tử nhuloan.to@gmail.com trước khi mở thầu. Việc làm đó khiến cho việc đấu thầu không khách quan, công bằng giữa các nhà thầu.

Tuy nhiên, đến nay ông Cường vẫn cho rằng không nhớ người có địa chỉ hộp thư điện tử này(?). Ngoài ra, ông Cường còn thừa nhận cùng với các thành viên khác trong tổ xét thầu thống nhất cho việc một số mặt hàng có GMP hết hạn được xét tiếp dẫn đến 16 mặt hàng trúng thầu sai quy định. Sau khi bị bắt, ông Cường đã tự khắc phục 100 triệu đồng.

Riêng bà Nguyễn Thị Kim Liên ngoài việc xét thầu qua loa, đánh giá sai các tiêu chuẩn kỹ thuật còn liên hệ với ông Nguyễn Văn Trung-Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai để giới thiệu ông Nguyễn Hải Hưng ở Công ty Dược Đà Nẵng bán một số mặt hàng cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai tham gia vào đấu thầu. Sau khi bị bắt, bà Liên đã nộp cho Cơ quan Điều tra 120 triệu đồng.

Đối với các ông Nguyễn Công Nhân, Đặng Đức Châu, R’Mah Plih, Bùi Ngọc Thư, Lê Khánh Lân, theo Cơ quan Điều tra thì chỉ làm qua loa không kỹ các tiêu chuẩn kỹ thuật… dẫn đến gây thiệt hại ngân sách. Từ đó, người nộp tiền khắc phục một phần hậu quả cao nhất là 25 triệu đồng và thấp nhất là 15 triệu đồng. Riêng ông Phùng Xuân Quýnh-nguyên Giám đốc Sở Y tế, theo Cơ quan Điều tra thì bị can không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình đấu thầu thuốc đã để xảy ra sai phạm liên tục trong nhiều năm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước.

Đắng lòng!

Thiệt hại về phía tài sản của Nhà nước từ những sai phạm về đấu thầu thuốc xảy ra trong 3 năm là 8.591.451.306 đồng. Đáng nói hơn là 9 cán bộ then chốt trong ngành Y tế tỉnh đã “nhúng chàm”.

Trong xã hội có 3 người thầy được tôn vinh: thầy giáo, thầy thuốc và thầy cãi (người hành nghề luật sư). Thầy giáo lấy chữ nhân làm trọng, đối với thầy cãi phải hiểu nguyên tắc “không ai được coi là không biết pháp luật” và đối với thầy thuốc lấy 12 điều y đức làm giáo huấn. Đó là hành trang đi suốt cuộc đời đối với những người vì sự nghiệp trồng người, răn đe, giáo dục người không phạm tội và cứu người khỏi bệnh tật. Ấy vậy mà chính họ-những thầy thuốc vì tư lợi mà đẩy gánh nặng lên những người ốm đau. Đúng là “trăm đau đổ đầu người bệnh” không sai tí nào.

Lê Văn Nhung
 

Có thể bạn quan tâm