Kinh tế

Khó huy động vốn nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cụ thể hóa Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13-6-2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định về cơ chế hỗ trợ các địa phương kiên cố hóa kênh mương theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai chương trình đã nảy sinh nhiều bất cập cần giải pháp tháo gỡ từ cơ quan có thẩm quyền.

Vướng từ khâu huy động vốn

103,29 km kênh mương trên địa bàn tỉnh được kiên cố hóa, tổng vốn đầu tư 33,53 tỷ đồng là kết quả của phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm từ năm 2004 đến nay. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của lãnh đạo các địa phương số km kênh mương được kiên cố hóa sẽ vượt con số đạt được nếu quá trình thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương (KCHKM) không vướng huy động vốn trong dân.

 

Kênh mương kiên cố hóa từ vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm tại thôn 6, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah. Ảnh: Q.V
Kênh mương kiên cố hóa từ vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm tại thôn 6, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah. Ảnh: Q.V

Theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, 1 km kênh mương  kiên cố hóa theo quy chuẩn bê tông rộng 0,4 mét, cao 0,6 mét và độ dày xây là 0,3 mét sẽ được hỗ trợ 125 tấn xi măng và 200 triệu đồng; trong đó giá xi măng được tính tại thời điểm công bố giá của liên sở. Theo tính toán của các địa phương, tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ quy đổi khoảng 428 triệu đồng, trong khi đó tổng kinh phí đầu tư hoàn thiện 1 km kênh mương theo kết cấu trên không dưới 820 triệu đồng. Phần kinh phí còn lại địa phương phải cân đối một phần ngân sách và huy động nhân dân đóng góp.

Ông Mai Quốc Huy- Phó trưởng phòng Tài chính huyện Phú Thiện cho rằng, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Phú Thiện còn khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nên không huy động được vốn đối ứng. Hơn nữa, việc đầu tiên phải làm trước khi tiến hành KCHKM là cắt nước công trình thủy lợi Ayun Hạ sẽ ảnh hưởng đến quy trình sản xuất chung của nhân dân trong vùng tưới là điểm khó khi thực hiện chương trình này.

Còn theo lãnh đạo UBND huyện Đak Pơ, dân phải mua ống lắp đặt dẫn nước vào ruộng vì không có tiền đóng góp để KCHKM theo chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm.

Làm rõ việc khó huy động vốn nhân dân, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, đa số tuyến kênh mương nội đồng cần kiên cố nằm ở vùng nông thôn, vùng sâu; đời sống nhân dân khó khăn nên chỉ đóng góp bằng ngày công lao động. Hơn nữa, địa hình vùng KCHKM có độ dốc, ruộng một số vùng kết cấu bậc thang, bị chia cắt; diện tích từng tuyến kênh mương phụ trách tưới không lớn, có vùng từ 5 ha đến 10 ha, song tuyến kênh mương dẫn nước vào vùng tưới lại dài… Vì vậy, lấy tổng vốn đầu tư toàn tuyến kênh trừ định suất hỗ trợ, phần vốn nhân dân đóng góp lớn nên khó thực hiện.

Quy định- “nút thắt” dẫn đến hạn chế     

Thực tế triển khai tại các địa phương nảy sinh “nút thắt” kìm hãm tốc độ KCHKM. Theo phân tích của lãnh đạo các huyện: Chư Pah, Đak Pơ, Phú Thiện thì cơ chế hỗ trợ KCHKM “đóng khung” ở một mức mà không tính đến yếu tố địa hình, địa chất, cự ly vận chuyển, điều kiện kinh tế của người dân là một trở ngại. Vì giá vật liệu, ngày công lao động ngày một tăng; chi phí vận chuyển vật liệu vào vùng sâu, vùng xa cao nên mức hỗ trợ của tỉnh đạt bình quân 55% so với tổng vốn đầu tư công trình; phần vốn đối ứng còn lại ngân sách huyện và nhân dân không gánh nổi nên kết quả thực hiện chương trình KCHKM đạt thấp so với nhu cầu.

Điển hình, từ năm 2004 đến nay, huyện Chư Pah chỉ kiên cố hóa được 1 km. Cũng trong thời gian trên, phần lớn các địa phương khác của tỉnh không hoàn thành kế hoạch KCHKM đã đăng ký với tỉnh, phải trả lại vốn tỉnh vay hỗ trợ 38,24 tỷ đồng.

Thiết kế mẫu KCHKM cũng là điểm khó được các địa phương đặt ra. Phó chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-ông Nguyễn Trường cho rằng: theo Quyết định 367/QĐ-UBND ngày 20-5-2011 của UBND tỉnh về việc bổ sung loại hình, mức hỗ trợ kinh phí, vật tư thực hiện chương trình KCHKM, loại hình bê tông xi măng là chưa phù hợp với thực tế của địa phương.

Vì địa hình dòng chảy trên địa bàn huyện có độ dốc lớn nên áp dụng loại kênh bê tông xi măng không có cốt thép có thể bị gãy nứt cục bộ. Kinh phí bảo dưỡng công trình chưa được bố trí nên dễ xuống cấp. Hơn nữa, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện quy mô nhỏ đồng nghĩa với khu tưới ít nên việc KCHKM theo quy cách hiện hành, nhất là quy cách mặt cắt ngang kênh không tận dụng hết công suất của kênh mương.

Theo nhìn nhận của lãnh đạo các địa phương, cơ chế hỗ trợ của tỉnh thực hiện KCHKM hiện nay thuận lợi đối với vùng chuyên canh cây lúa, vùng có diện tích trồng lúa tập trung và công trình thủy lợi lớn; song lại khó khăn cho các địa phương không hội đủ yếu tố trên. Vì vậy, để chương trình KCHKM được nhân rộng rất cần cơ chế thông thoáng hơn. 

Quang Văn-Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm