Kinh tế

Khó kiểm soát thị trường nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do người dân vùng nông thôn, vùng sâu ít có điều kiện kinh tế cũng như thông tin về hàng hóa, sản phẩm trên thị trường nên không ít cơ sở, đơn vị kinh doanh cố tình “tuồn” về đây những mặt hàng kém chất lượng.

Đối với người dân vùng sâu, vùng xa như chị Giáo (làng Kon Sơ Lăng, xã Hà Tây, huyện Chư Pah), việc mua sắm ở những cửa hàng tạp hóa trong làng hiện nay khá thuận tiện. Tại đây, chị và người dân trong làng có thể mua bất cứ thứ gì, từ các nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày như gạo, mắm, muối đến các vật dụng sinh hoạt, thậm chí là thức ăn được nấu sẵn. Theo chị Giáo, các mặt hàng bán ở đây có giá rất mềm, phù hợp với túi tiền của người dân địa phương. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có quan tâm về chất lượng hàng hóa không thì chị lắc đầu. “Cần gì thì ra mua thôi chứ ít khi mình xem hàng hóa do công ty nào sản xuất hay chất lượng ra sao”-chị Giáo cho biết.

 

Người tiêu dùng nông thôn chưa thực sự quan tâm đến chất lượng hàng hóa. Ảnh: D.Q
Người tiêu dùng nông thôn chưa thực sự quan tâm đến chất lượng hàng hóa. Ảnh: D.Q

Không chỉ người mua, bản thân những người bán tạp hóa ở vùng sâu, vùng xa cũng ít quan tâm đến chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa hoặc nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức xem hạn sử dụng mà thôi. “Mình bán đủ thứ, từ quần áo, thực phẩm khô đến cả đồ ăn nấu sẵn... Thường thì cứ 10 ngày người ta giao hàng một lần, cái nào thiếu thì gọi giao chứ mình ít khi trực tiếp đi lấy hàng. Khi nhập hàng, mình cũng chỉ để ý đến hạn sử dụng của sản phẩm để không lấy phải hàng hết hạn”-chị Bùi Thị Mỹ-chủ một tiệm tạp hóa ở làng Kon Sơ Lăng cho hay.

Tương tự, tiệm tạp hóa của chị Nguyễn Thị Kim Ánh (làng Mơn, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) cũng có đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm. Không những bán hàng khô, buổi chiều, chị Ánh còn bán thêm đồ ăn nấu sẵn như thịt kho đậu, cá kho, bánh cuốn… “Buổi sáng mình bán thực phẩm tươi sống như cá, thịt, rau củ… Đồ còn thừa, buổi chiều mình đem chế biến, nấu sẵn rồi bán cho bà con có nhu cầu. Giá mỗi chiếc bánh cuốn chỉ 2.000 đồng, còn đồ ăn mặn thì 10.000-20.000 đồng là được một món rồi”-chị Kim Ánh nói.  

 

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục Quản lý Thị trường Gia Lai đã kiểm tra và xử lý 5 vụ liên quan đến hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng số tiền xử phạt hình là 133,5 triệu đồng, trị giá hàng tịch thu gần 50 triệu đồng. Mặt hàng vi phạm gồm: đồng hồ, rượu, giày dép, phụ tùng xe máy, bao bì phân bón…

Theo quan sát của chúng tôi, các tiệm tạp hóa ở nông thôn thường bày biện hàng hóa lộn xộn, thực phẩm không được bảo quản an toàn. Trong đó, nhiều mặt hàng không có nhãn mác hoặc có thì đa số là nhãn mác các thương hiệu “lạ”, có mẫu mã tương tự như nhiều thương hiệu nổi tiếng dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Cầm chiếc bánh bông lan cuộn màu vàng bắt mắt vừa mua tại tiệm tạp hóa ở làng Kon Sơ Lăng, chị Lê Thị Thư (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mới nhìn chiếc bánh này, mình cứ tưởng bánh của một thương hiệu nổi tiếng đang bán trên thị trường. Thế nhưng, xem kỹ thì không phải bởi thương hiệu bánh này chỉ giống 2 chữ cái đầu thôi, ăn thì không ngon bằng so với loại bánh mình thường ăn”.

Ngoài những tiệm tạp hóa, hiện nay, tại vùng nông thôn còn có khá nhiều điểm bán hàng lưu động phục vụ tận nơi với đủ loại hàng hóa. Nhỏ là những hộ kinh doanh “hai sọt” bằng xe máy, lớn hơn chút là những chuyến xe tải chăn, ga, gối đệm, nồi niêu, xoong chảo, quần áo, trái cây…  khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc về chất lượng hàng hóa của các điểm bán lưu động này.

Trao đổi vấn đề này, một cán bộ thuộc lực lượng Quản lý Thị trường Gia Lai cho biết, trên thực tế vẫn có nhiều sản phẩm giả hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán trên thị trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, việc xử lý đối với những mặt hàng này rất khó bởi phần lớn các doanh nghiệp và các chủ thể quyền còn chưa nhận thức được vai trò của mình trong giải quyết các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ nên chưa mặn mà phối hợp với cơ quan chức năng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng chưa nhận thức đầy đủ về chất lượng sản phẩm mà mình tiêu thụ. Vì vậy, việc tố giác những sản phẩm giả, kém chất lượng đối với cơ quan chức năng còn hạn chế.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm