Bạn đọc

Khó kiểm soát việc áp giá điện thuê trọ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để bảo đảm quyền lợi cho người ở trọ, thời gian qua, ngành Điện đã tăng cường công tác kiểm soát việc áp giá điện của các chủ nhà trọ. Tuy nhiên, công tác này đang gặp khá nhiều khó khăn.
 Đại diện Công ty Điện lực Gia Lai làm việc với một hộ thuê trọ. Ảnh: H.D
Đại diện Công ty Điện lực Gia Lai làm việc với một hộ thuê trọ. Ảnh: H.D
Theo quy định tại Thông tư 16/2014/TT-BCT của Bộ Công thương, đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê không phải là hộ gia đình) thì bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn. Theo đó, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt theo từng bậc từ 1 đến 6 (bậc 1 từ 0 đến 50 kWh, bậc 2 từ 51 đến 100 kWh, bậc 3 từ 101 đến 200 kWh...), mỗi bậc có mức giá riêng. Nếu phòng trọ chỉ có 1 người sẽ được tính 1/4 định mức. Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 cho toàn bộ mức điện đo đếm được tại công tơ (1.858 đồng/kWh cộng thuế giá trị gia tăng). 
Để triển khai có hiệu quả quy định về mức thu tiền điện đối với người ở trọ, Công ty Điện lực Gia Lai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, niêm yết biểu giá bán điện tại các khu nhà cho thuê, điểm tập trung dân cư, nơi tiếp dân, khu công nghiệp… Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn chủ nhà trọ đều áp dụng giá điện bậc 3 để bán điện cho người ở trọ. Nguyên nhân là bởi việc tính giá điện theo định mức gây khó khăn cho các chủ nhà trọ trong việc thống kê, tính toán tiền điện hàng tháng đối với từng phòng trọ. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà trọ tính gộp cả tiền nhà với tiền điện, nước, tiền dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Bích Liễu-Phó Giám đốc Điện lực Pleiku-cho biết: Hiện nay, Điện lực Pleiku đang bán điện cho 257 chủ nhà trọ với 2.097 phòng trọ, số nhân khẩu tạm trú là 5.574 người, chiếm trên 73% cơ sở kinh doanh nhà trọ trên địa bàn tỉnh. Điện lực Pleiku đều hướng dẫn khách hàng ký cam kết thực hiện giá điện nhà trọ theo quy định. Bên cạnh đó, đơn vị cũng luôn quan tâm đến công tác kiểm tra việc áp giá điện của các chủ nhà trọ đối với người thuê. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm tra giá bán điện cũng không được thuận lợi do ngành Điện rất khó kiểm soát biến động về con người tại các khu nhà trọ. Ngoài ra, các chủ nhà trọ thường xé bỏ bảng niêm yết giá điện, không cho người thuê trọ biết giá điện theo quy định để tố giác nếu có sai phạm.
Cũng bởi công tác kiểm soát việc áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt ở các nhà trọ còn hạn chế nên nhiều người thuê trọ hiện đang phải chịu thiệt thòi. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Phi Long (trọ tại 14 Hoàng Văn Thái, TP. Pleiku). Anh Long cho biết: “Các thiết bị điện trong nhà tôi cũng không nhiều, chỉ có cái máy giặt và tủ lạnh. Vậy nhưng mỗi tháng tôi phải trả tiền điện khoảng 250-300 ngàn đồng bởi chủ nhà trọ tính giá 3.000 đồng/kWh điện. Nếu tiền điện thấp hơn thì gia đình tôi sẽ bớt được một phần chi phí”.
Thời gian qua, ngành Điện rất chú trọng tuyên truyền, vận động để người thuê trọ được sử dụng điện với giá đúng quy định. Nếu chủ trọ thu giá cao thì người thuê trọ nên báo cho chính quyền địa phương hoặc ngành Điện để xử lý. Song có một thực tế là nhiều người thuê trọ biết mình bị thu tiền điện giá cao nhưng ngại lên tiếng vì lo chủ nhà trọ không cho tiếp tục thuê.
Theo khoản 6, Điều 12, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 của Chính phủ, người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Hà Duy 

Có thể bạn quan tâm