Giáo dục

Tuyển sinh

Kết thúc đợt 1 xét tuyển ĐH:

Khó như… trượt đại học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các trường đại học (ĐH) kết thúc tuyển sinh đợt 1 năm 2023. Kết quả cho thấy khá bất ngờ. Từ đó, những vấn đề của tuyển sinh ĐH cũng bộc lộ những bất ổn.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 giáo dục ĐH mới đây, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết năm 2023, trong số trên 660 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển có 92,7% thí sinh trúng tuyển đợt 1 sau lọc ảo, tương đương khoảng 610.000 thí sinh, tức 10 thí sinh xét tuyển ĐH chỉ có gần 1 thí sinh trượt. Trung bình mỗi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,74 nguyện vọng.

92,7% thí sinh trúng tuyển đợt 1 sau lọc ảo, tương đương khoảng 610.000 thí sinh, tức 10 thí sinh xét tuyển ĐH chỉ có gần 1 thí sinh trượt

92,7% thí sinh trúng tuyển đợt 1 sau lọc ảo, tương đương khoảng 610.000 thí sinh, tức 10 thí sinh xét tuyển ĐH chỉ có gần 1 thí sinh trượt

Đáng chú ý, chỉ có trên 32% thí sinh trúng tuyển sớm đăng ký là nguyện vọng 1. Gần 70% còn lại có lựa chọn khác khi đặt nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Bà Thủy khẳng định số liệu này cho thấy quy trình, quy chế đang giúp cho thí sinh có cơ hội trúng tuyển ở những nguyện vọng ưu tiên hơn, không phải theo phương thức tuyển sớm. Tỉ lệ thí sinh ảo đối với xét tuyển sớm lên đến gần 70% theo bà Thủy là con số cảnh báo để các trường điều chỉnh phương án ở những năm sau. Bà Thủy nhận định năm 2023, vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói rằng một số cơ sở đào tạo sử dụng kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh với mục đích tăng khả năng tuyển được, chủ động thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng vào yêu cầu chất lượng và sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chỉ ra rằng điểm yếu lớn nhất của tuyển sinh năm 2023 và những năm qua là giữa các phương thức tuyển sinh còn chưa đảm bảo sự công bằng nhất định. Qua đó, ông Sơn yêu cầu các trường tiếp tục hoàn thiện phương thức tuyển sinh năm 2024, phối hợp với Vụ Giáo dục ĐH, Vụ Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT khai thác dữ liệu tuyển sinh hai năm qua cùng với kết quả học tập của sinh viên đã vào trường để đánh giá, đối sánh việc các đơn vị đưa ra phương thức tuyển sinh, tổ hợp tuyển sinh đã phù hợp chưa.

“Việc đối sánh kết quả học tập giữa những nhóm đối tượng sinh viên tuyển sinh theo phương thức khác nhau để đánh giá xem phương án tuyển sinh của trường đã đảm bảo công bằng hay chưa, có giải pháp khắc phục", ông Sơn nói. Trong Quy chế tuyển sinh đã quy định các cơ sở giáo dục ĐH phải có trách nhiệm giải trình về việc đưa ra yêu cầu cho phương thức tuyển sinh.

Trường ĐH phải thay đổi theo lựa chọn của thí sinh?

Dù đã có trên 92% thí sinh trúng tuyển đợt 1, nhưng vẫn còn nhiều trường thông báo tuyển sinh bổ sung gồm cả những ngành hot như Công nghệ thông tin hay Y khoa. Trường Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, xét tuyển bổ sung 110 chỉ tiêu cho 3 ngành học. Trong đó, ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính có 40 chỉ tiêu. Ngành Kỹ sư Tự động hóa và Tin học 50 chỉ tiêu…

Trường ĐH Thái Bình tuyển sinh bổ sung 470 chỉ tiêu ở 8 ngành đào tạo. Trong đó, ngành Công nghệ thông tin là 87 chỉ tiêu. Trường ĐH Phenikaa thông báo xét tuyển bổ sung với 790 chỉ tiêu theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Có thể thấy, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH và chỉ tiêu tuyển sinh gần như bằng nhau. Dù tỉ lệ thí sinh trúng tuyển cao nhưng nhiều ngành, nhiều trường vẫn chật vật tuyển. Năm nay, có những trường điểm chuẩn chỉ 14 điểm/tổ hợp 3 môn thi tốt nghiệp THPT.

Một vấn đề nữa là số lượng thí sinh trúng tuyển không tương đương với số lượng thí sinh nhập học. Năm 2022, chỉ có trên 84% thí sinh trúng tuyển nhập học, chiếm chưa đến 50% tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp. Năm nay, các trường dự đoán tỉ lệ tương tự. Trường ĐH ngoài công lập, trường ĐH công lập nhưng đóng trên địa bàn các tỉnh lẻ đang gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Ví dụ, trong Đề án tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Đông Đô, Hà Nội (trường ngoài công lập) thông tin, năm 2022, trường tuyển sinh 14/23 ngành, trong đó, 4 ngành có chỉ tiêu nhưng không có thí sinh nào nhập học. Một số ngành khác có tỉ lệ thí sinh nhập học rất thấp, chỉ chưa đến 30 thí sinh. Tổng tỉ lệ nhập học của trường năm 2022 là 467/2.050 thí sinh.

Một số nhóm ngành khó tuyển sinh có liên quan đến sự lựa chọn bài thi của thí sinh. Từ tỉ lệ lựa chọn bài thi Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên những năm gần đây cùng thống kê của các địa phương về tỉ lệ lựa chọn các môn học tự chọn bậc THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy sự áp đảo của thí sinh chọn môn Khoa học xã hội (năm 2023 là gần 567.000 em, chiếm tỷ lệ 55,3%).

Khi số thí sinh thi bài thi Khoa học Xã hội tăng lên, thậm chí gần gấp đôi so với thí sinh Khoa học Tự nhiên, nguồn tuyển của các trường khối ngành Công nghệ, Kỹ thuật càng khó khăn.

Có thể thấy, đứng ở góc độ nào thì các cơ sở giáo dục ĐH đang cố gắng tuyển đủ chỉ tiêu. Nguyên nhân được lãnh đạo Bộ cho rằng nguồn lực cho giáo dục ĐH còn hạn hẹp, các trường buộc phải tăng số lượng tuyển sinh để có nguồn cân đối thu chi trong khi các điều kiện bảo đảm chất lượng không được đầu tư tương xứng.

Có thể bạn quan tâm