Kinh tế

Khó tiếp cận nguồn vốn kích cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dạo qua một số cửa hàng bán máy nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Pleiku  (Gia Lai),  một điều dễ nhận thấy đó là các mặt hàng do nước ta sản xuất được trưng bày rất khiêm tốn và thường được đặt tại những nơi không được bắt mắt cho lắm.

Bà Nguyễn Thị Xuân, chủ cửa hàng máy nông nghiệp Đại Lợi, 06 Lê Lai, TP. Pleiku lý giải: “Máy móc sản xuất trong nước có giá cao hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại của Nhật, Đài Loan và Trung Quốc. Bên cạnh đó chủng loại ít, khi hư hỏng khó tìm phụ tùng thay thế nên người mua ít quan tâm. Mỗi năm cửa hàng chỉ bán được khoảng 10 bộ có xuất xứ trong nước”. Tại cửa hàng Đại Lợi, trong số hàng chục loại máy nông nghiệp, máy nội chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Tuốt lúa bằng máy có xuất xứ nước ngoài. Ảnh: Ngọc Linh
Tuốt lúa bằng máy có xuất xứ nước ngoài. Ảnh: Ngọc Linh

Tình hình sáng sủa hơn ở Siêu thị Nông nghiệp (114B- Trường Chinh, TP.Pleiku) vì ở đây sản phẩm máy móc nông nghiệp sản xuất trong nước được trưng bày nhiều hơn với khoảng 10 chủng loại. Trong số này, sản phẩm của hãng Vikyno đã được người tiêu dùng tín nhiệm từ nhiều năm nay, tại thị trường Gia Lai, sản phẩm đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Thế nhưng so sánh doanh số bán ra thì ông Nguyễn Đăng Thanh, cửa hàng trưởng của siêu thị cho hay, hàng Trung Quốc cao gấp nhiều lần so với hàng Việt Nam.

Phía người bán chọn máy móc do nước ngoài sản xuất là chuyện đương nhiên do doanh số bán ra cao. Còn phía người mua, số người chọn hàng nội rất hiếm. Anh Ksor Sơng ở xã Ia Piar, huyện Phú Thiện bộc bạch: “Tôi muốn mua một bộ máy cắt lúa để giảm bớt công lao động và cho người khác thuê để có thêm thu nhập. Nhưng đến nhiều chỗ thấy máy nội đắt quá nên đã chọn máy do Trung Quốc sản xuất vì có giá rẻ hơn”. Tương tự là ông Lê Anh Khuê ở thôn Đoàn Kết, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, đã chọn mua máy do nước ngoài sản xuất để phục vụ cho việc tưới, vận chuyển phân bón, sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Cư- Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Gia Lai cho biết: Tính đến hết ngày 20-10-2009, dư nợ theo Quyết định số 497/QĐ-TTg của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đạt 1,266 tỉ đồng: 21 khách hàng (số tiền hỗ trợ lãi suất là 10.154.133 đồng). Trong số này, hỗ trợ mua máy kéo, máy cày, máy làm đất là 22 triệu đồng: 1 khách hàng; hỗ trợ mua máy tưới, máy sấy, máy tuốt, máy tẻ bắp là 262 triệu đồng: 1 khách hàng; hỗ trợ mua xe tải nhẹ dưới 5 tấn là 320 triệu đồng: 2 khách hàng; hỗ trợ mua máy vi tính để bàn là 5 triệu đồng: 1 khách hàng.

Để hỗ trợ cho nông dân mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn, ngày 17-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 497/QĐ-TTg nhằm kích cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở khu vực nông thôn, chống suy giảm kinh tế và hạn chế tỷ lệ thất nghiệp.

Trong Quyết định này có phần hỗ trợ 100% giá trị tiền mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ lãi suất 100%, thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa 24 tháng. Tuy nhiên một nguyên nhân khá quan trọng khiến người dân đến với gói kích cầu này còn hạn chế, do máy móc được hỗ trợ tiền vay và lãi suất phải có xuất xứ và được sản xuất trong nước. Nhìn vào danh mục máy móc được hỗ trợ và đối chiếu với các loại máy móc hiện đang có bán trên thị trường thì thấy, những loại máy trên chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân trên địa bàn. Một số loại máy do các cơ sở tự độ chế cho phù hợp với đặc thù nền nông nghiệp của tỉnh và có giá thành khá nhẹ nhưng người nông dân lại không được hỗ trợ vay do sản phẩm không có tem nhãn, thương hiệu và không nằm trong danh mục của Quyết định 497.

Ngọc Linh


Có thể bạn quan tâm