Kinh tế

Tài chính

Khó tiếp cận nguồn vốn vay tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo kế hoạch, đến năm 2020, huyện Chư Prông (Gia Lai) phấn đấu tái canh 2.118 ha cà phê. Đến thời điểm này đã tái canh được 1.370 ha (đạt 64,68%). Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện chưa có hộ dân nào tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi tái canh cà phê theo chủ trương của Chính phủ.
 Vì không có vốn nên anh Đỗ Văn Ngưng (thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng) chỉ tái canh được 1/2 diện tích cà phê của gia đình. Ảnh: H.T
Vì không có vốn nên anh Đỗ Văn Ngưng (thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng) chỉ tái canh được 1/2 diện tích cà phê của gia đình. Ảnh: H.T
Gia đình ông Trịnh Xuân Hòa (thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng) có 1,2 ha cà phê trồng từ năm 1995, nay đã già cỗi. Vì thiếu vốn nên vườn cà phê của gia đình ông vẫn chưa thể tái canh, dù biết có vốn vay ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ. Lý giải vấn đề này, ông Hòa tiếc nuối: “Thấy lãi suất thấp hơn so với vay thông thường và được ân hạn 4 năm mới trả lãi, thời hạn cho vay đến 8 năm, gia đình cũng muốn tiếp cận lắm. Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình đã thế chấp tại ngân hàng với số tiền khá lớn; tôi chưa có điều kiện trả để lấy sổ đỏ về vay ưu đãi”.
Cũng như ông Hòa, anh Đỗ Văn Ngưng (cùng thôn Hợp Hòa) đã nhiều lần tìm hiểu để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tái canh cà phê nhưng không thành. Theo anh Ngưng, ngoài lý do phải có sổ đỏ thì định mức cho vay thấp và giải ngân nhiều lần theo tiến độ là lý do khiến gia đình anh không tiếp cận được nguồn vốn này. “Sổ đỏ của gia đình tôi hiện đã thế chấp tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Công thương huyện Chư Prông để vay 200 triệu đồng. Để tiếp cận vốn vay ưu đãi, gia đình dự tính sẽ vay tạm người thân 200 triệu đồng trả nợ ngân hàng rồi rút sổ đỏ. Tuy nhiên, số vốn ưu đãi cho vay chỉ 150 triệu đồng và giải ngân nhiều đợt thì không đủ để vừa trả nợ vừa tái canh”-anh Ngưng cho biết.
Ông Trần Đức Tuấn-Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông: “Đến thời điểm này, chưa có hộ dân nào trên địa bàn huyện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ. Chúng tôi đã ý kiến lên cấp trên về việc giảm bớt số lần giải ngân. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến các quy định của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cho vay vốn ưu đãi trước đó. Do vậy, trong khi chờ có sự thay đổi chủ trương từ cấp trên, chúng tôi vẫn phải làm theo đúng quy định”.

Tương tự, tại xã Ia Phìn cũng chưa có hộ dân nào tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tái canh cà phê. Ông Phan Văn Hiển (thôn Grang 2) cho biết, gia đình ông trồng 3,5 ha cà phê và 500 trụ hồ tiêu, trong đó có 1 ha cà phê đã già cỗi. Trước mắt, gia đình ông cần khoảng 180 triệu đồng để tái canh 1 ha cà phê và chăm sóc vườn cây. Ông Hiển nhẩm tính: “Nếu thế chấp sổ đỏ để vay vốn ưu đãi, gia đình chỉ vay được 150 triệu đồng và giải ngân nhiều lần; theo đó không đủ vốn để tái canh cũng như chăm sóc vườn cây. Đó là chưa kể việc tái canh tốn rất nhiều kinh phí thuê nhổ cây, đào hố. Trong khi đó, thủ tục vay vốn cũng rất rườm rà và sau khi vay được vốn còn phải bỏ trống đất 2 năm rồi mới được trồng tái canh theo quy định của Cục Trồng trọt. Điều này khiến người dân sẽ mất một khoản tiền trả lãi khá lớn. Vì những lý do trên nên tôi không tiếp cận nguồn vốn này”.
Ông Ngô Anh Tuấn-cán bộ Nông nghiệp xã Ia Phìn-cho biết: Toàn xã có 1.900 ha cà phê, phần lớn được trồng từ những năm 1993-1995. Từ năm 2016 đến nay, gần 400 hộ trong xã đã tái canh được 184 ha. Tuy nhiên, ngoài 11 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ dự án VnSAT (nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới), số hộ còn lại đều phải tự lo về nguồn vốn. Lý do chủ yếu là hầu hết sổ đỏ của người dân đều đã thế chấp tại ngân hàng. Riêng đối với những hộ còn sổ đỏ thì định mức cho vay thấp, giải ngân nhiều lần chính là lý do khiến họ không mặn mà.
Làm việc với P.V, ông Lê Quang Nhân Trí-chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: Sau khi thẩm định, trong 2 năm (2017-2018), toàn huyện có 1.789 hộ đủ điều kiện tái canh cà phê với diện tích trên 976 ha. Để giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, Phòng đã tham mưu UBND huyện lập danh sách các hộ đủ điều kiện tái canh gửi qua Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện-đơn vị triển khai cho vay nguồn vốn này. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã tổ chức 3 buổi đối thoại để người dân nắm rõ các quy định cũng như tháo gỡ một số vướng mắc. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của người dân còn gặp nhiều trở ngại. “Theo tôi, ngành Ngân hàng nên nâng định mức vay và giải ngân một lần để người dân có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn này”-ông Trí kiến nghị.
Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm