(GLO)- Đó là cách nói dân dã của các hộ nông dân chuyên về nghề trồng rau. Tuy nhiên, bên cạnh việc chăm chỉ làm ăn của các hộ dân, sự đầu kỹ thuật gieo trồng, nguồn nước tưới và đầu ra sản phẩm từ phía ngành chức năng và chính quyền địa phương là yếu tố hỗ trợ tích cực để người trồng rau bám đất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ảnh: Anh Khoa |
Anh Thái Văn Thịnh-một hộ trồng rau ở xã An Phú (TP. Pleiku) cho biết: Với 4 sào đất, nhà anh trồng xà lách, hành, ngò, nguồn thu sau khi trừ chi phí là 8-10 triệu đồng/vụ. Năm 2014, anh làm được 10 vụ, thu về gần 100 triệu đồng/năm/4 sào. Anh Thịnh nói: “Trời cho mình ở vào cái vùng đất mưa thuận gió hòa thì phải chịu khó làm ăn nhưng giá cả và đầu ra ổn định thì người trồng rau mới sống được”. Loại rau truyền thống của đất An Phú là xà lách, cải xanh, cải ngọt và rau thơm các loại, cung ứng cho thị trường trong tỉnh thông qua các chợ đầu mối. Chỉ với giá 10.000-12.000 đồng/kg rau cải các loại và 30.000-50.000 đồng/kg rau thơm, nguồn thu từ vài tấn rau mỗi ngày, sau khi trừ chi phí đã giúp các hộ chịu khó tích cóp như hộ anh Thịnh mua sắm thêm máy bơm, máy phát điện, lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho những ngày nắng… để tăng sản lượng thu hoạch và duy trì nguồn rau xanh cung ứng ra thị trường hàng ngày, cả vào mùa khô hạn.
Tuy nhiên, vấn đề đầu ra sản phẩm vẫn luôn là trở ngại không nhỏ trong nghề trồng rau. Những người may mắn như anh Thịnh thì ít, còn đa số tìm đầu ra ổn định cho rau là cả một vấn đề nan giải. Chị Trần Hoài Thu (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) nói: “Hạt tiêu, hạt cà phê thì còn trữ được, chứ còn bó rau, ký ớt là phải bán liền, đắt rẻ gì cũng bán. Nhiều hôm ế ẩm nhìn cả vườn rau không nhổ bán được cứ vàng vọt đi mà nuốt cơm không nổi”. Ngoài cung ứng chợ đầu mối, nhiều hộ dân đi chào hàng cho các nhà hàng lớn, các mối bán rau các địa phương khác trong tỉnh và một số ít được bán ra thị trường ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Văn Hạnh-một hộ trồng rau khác ở phường Thống Nhất nói: “Tiêu thụ theo đường này không nhiều. Chúng tôi rất muốn đưa rau vào bán ở siêu thị nhưng chưa biết cách nào”.
Khác với những nông dân sản xuất theo phương thức canh tác truyền thống, để tạo ra sản phẩm rau sạch, một số hộ đầu tư khá nhiều vốn nhưng vẫn lúng túng tìm đầu ra sản phẩm. Có kinh nghiệm trồng rau hơn 10 năm, anh Nguyễn Quốc Bình (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) sản xuất rau VietGAP cho biết: Ngoài vốn đầu tư nhà lồng, nhà kho rất lớn, nông dân trồng rau sạch chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Loại thuốc này không ảnh hưởng đến môi trường và cả cho người trồng khi phun thuốc, đảm bảo đúng thời gian cách ly trên 24 tiếng mới đưa rau ra thị trường. Mỗi ngày, người trồng rau đều ghi lại tỉ mỉ nhật ký đồng ruộng theo dõi rau đảm bảo đúng quy trình sạch, thế nhưng đầu ra rất khó khăn. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ) nói: “Vườn ươm và sản xuất rau của gia đình ông cho hiệu quả kinh tế khá cao, do đầu tư cơ sở vật chất bài bản nhưng cũng chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không dám mở rộng sản xuất vì sợ nếu không bán được thì chắc chắn sẽ lỗ”.
Theo nhiều hộ trồng rau tại TP. Pleiku, mỗi ngày, rau sạch trồng theo tiêu chuẩn VietGAP bán cho siêu thị Co.op Mart tại Gia Lai mỗi loại chỉ khoảng vài kg/ngày, số còn lại tiêu thụ tại các chợ đầu mối, bán lẻ. Đeo đuổi quyết tâm trồng rau sạch thì cái khó của người nông dân hiện nay là phải “tự bơi” để tìm đầu ra, thậm chí chấp nhận bán “đồng giá” với người trồng rau thường để tiêu thụ sản phẩm. Anh Bình cho biết thêm: Bản thân tôi đã bỏ công nhiều ngày lặn lội đến các siêu thị, chợ đầu mối, chợ bán lẻ nhưng không một đơn vị nào cam kết bao tiêu đầu ra ổn định, lâu dài cho rau sạch.
Sản xuất rau không khó, nhưng cái khó của nông dân trồng rau hiện tại là đầu ra. Theo đó, việc hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân từ phía ngành chức năng đã trở thành vấn đề bức thiết.
Anh Khoa