(GLO)- Pháp luật cấm việc kinh doanh, lấn chiếm vỉa hè song do những bất cập trong việc quy hoạch đô thị trước đây cộng thêm đất nước vẫn còn khó khăn nên hiện tại vẫn có rất nhiều gia đình mưu sinh nhờ cả vào vỉa hè. Vậy, giải pháp hữu hiệu nào cho vấn đề nan giải này?
Cả gia đình bà Hai Phương nhiều năm nay đều trông cậy vào vỉa hè để mưu sinh. Ảnh: Ngọc Linh |
Bà Hai Phương (70 tuổi, trú hẻm Thống Nhất, phường Ia Kring, TP. Pleiku) có 3 người con. Vì nhà nghèo, không đất canh tác, không con chữ lận lưng nên hồi trẻ bà phải lăn lộn với đủ thứ nghề không tên nhưng cái đói vẫn cứ đeo bám. Một ngày nọ, gia đình này quyết định sắm một vài thứ rồi dọn ra vỉa hè buôn bán. Sáng bán bánh mì, trưa giải khát, xế chiều đẩy xe phở ra, bán cho đến qua ngày hôm sau mới dọn hàng về. Ấy vậy mà bà Hai Phương đã bám vỉa hè được gần 20 năm. Cô con gái út của bà dù mang tiếng mới vào nghề nhưng cũng đã có thâm niên gần chục năm.
Bà kể: Cái vỉa hè này chẳng khác nào nhà của tôi bởi mọi vui buồn, tủi nhục nó đều là chứng nhân. Nói chung, chịu khó tằn tiện, mỗi ngày cũng kiếm được từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng mẹ con cũng gọi là tạm đủ sống. Hôm nào đắt khách thì dọn hàng sớm, còn có chút thời gian làm việc riêng, chứ nếu ế thì chẳng thể nào rời khỏi gánh hàng. Nhiều hôm, trời lạnh như cắt da, người quá mệt mỏi, vừa trông hàng vừa ngủ, kẻ gian đã lợi dụng sơ hở lấy hết tiền. Lúc đó chỉ biết khóc trong lòng, tự động viên mình tiếp tục bám trụ, không thể buông xuôi. Bà Hai Phương nói dù không học nhưng bà biết việc pháp luật không cho phép lấn chiếm vỉa hè bởi đã không biết bao nhiêu lần bị cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, vì kế mưu sinh nên cũng đành “liều”. “Có hôm vừa thấy bóng Công an, sợ quá, tay chân vơ lung tung khiến hàng hóa đổ bể, mất cả vốn. Tuy vậy, khi cơ quan chức năng đi rồi, mình cũng đành dày mặt dọn ra bán tiếp, chứ nếu nghỉ thì lấy gì mà ăn hở chú?”-bà lão 70 tuổi bộc bạch.
Các quán ăn trên đường Hoàng Văn Thụ còn bố trí chỗ giữ xe máy ngay dưới lòng đường. Ảnh: Ngọc Linh |
Theo người dân, những người buôn bán nhỏ lẻ thì luôn được “uốn nắn” bởi đội trật tự, quy tắc đô thị, trong khi nhiều hộ kinh doanh lớn thì mặc sức chiếm dụng, bày hàng la liệt lấn chiếm hết cả vỉa hè, thậm chí còn lấn xuống lòng đường song chẳng thấy ai nhắc nhở. Kiểm chứng lời người dân, chúng tôi đã bỏ công lượn trên 2 con đường được xếp vào loại buôn bán sầm uất bậc nhất của TP. Pleiku là đường Hoàng Văn Thụ (đoạn phường Yên Đổ), Trần Phú (đoạn phường Tây Sơn) thì thấy rằng, các cửa hàng kinh doanh ở đây chất hàng la liệt, chiếm hết cả vỉa hè. Chỗ nào không chất hàng thì cũng chẳng còn chỗ trống bởi đó là nơi để xe máy, thậm chí là ô tô. Nhiều cửa hàng thuộc loại buôn may bán đắt thì vỉa hè phía trước nhà hầu như lúc nào cũng kín mít, khách đến mua hàng cực chẳng đã phải đậu xe dưới lòng đường. Nhiều quán ăn ngoài việc bày bàn ghế lấn chiếm hết vỉa hè thậm chí còn tận dụng cả lòng đường để làm chỗ giữ xe máy cho khách. Điều này vừa gây mất an toàn giao thông, vừa làm xấu đô thị.
Vấn đề này, Thượng tá Lưu Đình Cảnh-Phó Trưởng Công an TP. Pleiku xác nhận, không chỉ tỉnh ta mà nhiều đô thị lớn của cả nước cũng vướng phải. Một phần là do đặc thù quy hoạch trước đây đã không tính đến chuyện bùng nổ của phương tiện lưu thông cá nhân. Dân ta bây giờ hầu như ai cũng có ít nhất là một chiếc xe máy, khi đi mua bán (chủ yếu trong phố) thì cần phải có chỗ để xe. Do đó, cách của Công an TP. Pleiku đang làm đó là mời các cửa hàng, cơ sở kinh doanh lên yêu cầu họ cam kết bố trí người sắp xếp xe cộ, hàng hóa sao cho gọn gàng, chừa lối cho người đi bộ. Nếu không thực hiện thì sẽ bị xử phạt.
Cũng theo Thượng tá Cảnh, dù mang tiếng là đô thị loại II song nhìn trên bình diện chung, tỉnh ta vẫn còn khó khăn do đó xã hội cần phải chấp nhận một thực tế là vẫn còn một lượng lớn người buôn bán ăn theo vỉa hè. Đa phần họ đều nghèo, ít học, có người đã gắn bó với vỉa hè vài chục năm, nhiều người nuôi cả gia đình trên gánh hàng rong, có trường hợp buôn thúng bán bưng nhưng nuôi con cái đỗ đạt những trường đại học danh tiếng, rồi nhiều mảnh đời thương tâm gắn bó với vỉa hè như là mái nhà... Khi cơ quan chức năng tiến hành dẹp thì những người này bỏ chạy, qua đợt họ lại giăng ra.
Rồi chuyện có người chỉ bán vài bó rau, nhiều người đáng tuổi ông, tuổi bà, thử hỏi phạt như thế nào, nói chung là rất khó xử lý. Nếu muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này thì cần quy hoạch, bố trí cơ sở cho những người này mưu sinh. Trước mắt, chưa làm được việc này thì cơ quan chức năng cần xử lý sao cho hài hòa.
Theo cách của Công an TP. Pleiku thì yêu cầu những người buôn bán hàng rong cam kết buôn bán có nơi có chỗ. Lực lượng chuyên trách cần bố trí vị trí hợp lý để dân mưu sinh, rồi từng bước tuyên truyền đưa vào quy củ để giảm áp lực cho dân và lực lượng chức năng.
Ngọc Linh