(GLO)- Năm 2020, ngành Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai. Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống của người dân.
Trong năm qua, Sở KH-CN đã tham mưu giúp Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh. Các kết quả nghiên cứu đề tài KH-CN cấp quốc gia, cấp tỉnh đã giúp cho việc hoạch định chính sách của tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nông nghiệp chủ yếu tập trung vào việc xây dựng mô hình chăn nuôi sử dụng nguồn thức ăn có dược liệu tại địa phương nhằm tạo ra sản phẩm sạch. Đối với lĩnh vực văn hóa-xã hội, ngành tập trung nghiên cứu đề xuất một số giải pháp trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nghiên cứu các giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh.
Các mô hình, sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu được trưng bày tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai lần thứ I. Ảnh: Ngọc Thu |
Công tác quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành rõ nét. Ngày hội khởi nghiệp năm 2020 đã góp phần khích lệ tinh thần khởi nghiệp của các tầng lớp nhân dân, đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được đẩy mạnh; hoạt động thông tin, hoạt động sở hữu trí tuệ với việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương ngày càng được chú trọng, góp phần không nhỏ trong phục vụ người dân, doanh nghiệp chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người sản xuất, người tiêu dùng.
Tiếp cận và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Sở đã thực hiện số hóa hoạt động KH-CN như: xây dựng cơ sở dữ liệu KH-CN, đánh giá trình độ công nghệ tỉnh; ISO điện tử theo TCVN 9001-2015; cổng thông tin khởi nghiệp tỉnh Gia Lai, hệ thống thông tin quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa tỉnh Gia Lai; điểm kết nối cung cầu công nghệ tỉnh Gia Lai; phấn đấu đến năm 2023 số hóa 100% dữ liệu các lĩnh vực trong hoạt động KH-CN.
Thời gian tới, ngành KH-CN tiếp tục bám sát nghị quyết của Tỉnh ủy, các chỉ đạo của UBND tỉnh, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và tham mưu ban hành các quy định, cơ chế, chính sách về KH-CN phù hợp với điều kiện địa phương. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về KH-CN, thực hiện chức năng hướng dẫn và kiểm tra nhà nước về các hoạt động KH-CN, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, triển khai hệ thống quản lý chất lượng ISO trong hoạt động của các cơ quan hành chính, về an toàn bức xạ hạt nhân…
Song song với đó, ngành sẽ phát huy tối đa năng lực của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học tại địa phương kết hợp hợp tác nghiên cứu, chuyển giao của đội ngũ các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước tại các trường đại học lớn để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cũng như kết nối, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Định hướng, hướng dẫn chuyên môn, hỗ trợ các nhà đầu tư dự án tăng cường tiềm lực KH-CN, các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, các dự án thuộc Chương trình bảo tồn gen, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, các chương trình và quỹ hỗ trợ khác của Trung ương để tạo điều kiện cho Gia Lai thêm cơ hội phát triển.
NGUYỄN NAM HẢI
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ