(GLO)- Những ngày cuối tháng 7-1945, qua nhiều nguồn tin, lực lượng thanh niên An Khê và những cơ sở trong các đồn điền ở Gia Lai đã tiếp nhận được Chương trình Việt Minh. Việc tiếp thu Chương trình Việt Minh là điều kiện quan trọng mở ra bước ngoặt quyết định đối với phong trào yêu nước của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, giúp cho phong trào định ra mục tiêu, phương hướng hành động đúng đắn phù hợp với mục tiêu chung của phong trào cách mạng cả nước.
Ngày 11-8-1945, Chính phủ Nhật hoàng chấp nhận đầu hàng không điều kiện Liên Xô và các nước Đồng minh. Sau đó 2 ngày, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (ngày 13-8-1945) nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, cả dân tộc Việt Nam đứng trước thời cơ có một không hai để giành độc lập. Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và quyết định hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc vào đêm 13-8.
Thị xã An Khê hôm nay. Ảnh: Đức Thụy |
Ở Gia Lai, bộ máy cai trị của địch hoang mang cực độ. Lực lượng quân đội Nhật, bọn hiến binh đóng ở Pleiku, An Khê, Cheo Reo và các đồn binh lần lượt rút về Quy Nhơn chờ giải giáp. Lính bảo an không còn ủng hộ chính quyền thân Nhật, dần dần ngả về phía cách mạng, đồng tình và ủng hộ các hoạt động của quần chúng và thanh niên yêu nước.
Sáng 20-8-1945, lực lượng khởi nghĩa huyện An Khê chiếm đồn bảo an thị trấn và huyện đường. Đoàn Thanh niên An Khê cùng lực lượng khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Sau khi được thành lập, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời huyện kêu gọi quần chúng ủng hộ cách mạng; tổ chức lực lượng về các làng, xã vùng người Kinh giáp thị trấn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát động quần chúng mít tinh, biểu tình, tịch thu triện đồng của bọn tổng lý, nắm chính quyền thôn, xã. Huyện An Khê khởi nghĩa thắng lợi nhanh gọn. Sáng 22-8, đoàn quân khởi nghĩa của An Khê có lực lượng vũ trang thanh niên tự vệ, tiến lên thị xã Pleiku phối hợp với Đoàn Thanh niên Gia Lai để khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ.
Ở thị xã Pleiku, Đoàn Thanh niên Gia Lai đã sẵn sàng. Trí thức, công chức trong bộ máy chính quyền đã đồng tình ủng hộ khởi nghĩa. Sau khi tiếp nhận mệnh lệnh tổng khởi nghĩa, Đoàn Thanh niên Gia Lai cử cán bộ thanh niên đến các công sở, đồn điền và những vùng nông thôn phụ cận để tuyên truyền huy động quần chúng vũ trang biểu tình giành chính quyền, thông báo tin Nhật đầu hàng, Bảo Đại thoái vị, Việt Minh giành chính quyền và huy động công nhân, nông dân, thanh niên, đồng bào dân tộc thiểu số về thị xã Pleiku để mít tinh, biểu tình giành chính quyền.
Tại các công sở trong thị xã Pleiku, công nhân viên chức khẩn trương may cờ, băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ để treo tại công sở và mang đi dự mít tinh, biểu tình. Suốt đêm 22-8-1945, công nhân đồn điền, nông dân các vùng phụ cận nhộn nhịp chuẩn bị cờ, khẩu hiệu, cơm đùm, cơm vắt, gậy gộc, giáo mác tập hợp thành đội ngũ để đi biểu tình vào sáng sớm hôm sau. Sáng 23-8, nhiều đoàn biểu tình các nơi kéo về, cùng những đoàn quần chúng thị xã, đội ngũ chỉnh tề, trang bị gậy gộc, giáo mác, giương cao cờ đỏ sao vàng tiến về trung tâm thị xã. Một cuộc biểu dương lực lượng gần một vạn quần chúng chưa từng có ở Pleiku gồm công nhân đồn điền, nông dân người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số cùng các tầng lớp nhân dân thị xã tập trung mít tinh tại Tòa công sứ. Sau đó, lực lượng quần chúng chia thành hai cánh tuần hành qua các phố chính trong thị xã. Một cánh tuần hành xuống đồn bảo an binh, ra Sở Bưu chính, Sở Lục lộ, gara Ba Hoài, rồi tập trung tại Sân vận động thị xã. Một cánh xuống Dinh Quản đạo Gia Lai, vòng ra Bệnh viện, rồi cũng đổ về Sân vận động thị xã.
Vào lúc 10 giờ sáng 23-8-1945, các tầng lớp nhân dân thị xã và các vùng lân cận, đại diện lực lượng khởi nghĩa của huyện An Khê và lực lượng binh lính bảo an giác ngộ dự cuộc mít tinh lớn tại Sân vận động trung tâm thị xã Pleiku dưới rừng cờ đỏ sao vàng tung bay trong niềm kiêu hãnh, hân hoan của mọi người. Tại cuộc mít tinh, ông Trần Ngọc Vỹ đại diện lực lượng quần chúng khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng, kêu gọi Nhân dân các dân tộc trong tỉnh triệt để thi hành các chủ trương, chính sách đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh, ủng hộ Ủy ban Dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Buổi lễ kết thúc, cuộc mít tinh tiếp tục biến thành cuộc tuần hành, quần chúng đi qua những đường phố chính, rồi tỏa về các vùng nông thôn ven thị xã và các đồn điền.
Đêm 23-8-1945, Hội nghị đại biểu các lực lượng khởi nghĩa tại Dinh Quản đạo đã nhất trí thông qua danh sách Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai gồm 5 thành viên đại diện cho các thành phần trong tỉnh do ông Trần Ngọc Vỹ làm Chủ tịch. Ủy ban Cách mạng lập tức phân công cán bộ về các địa phương tổ chức sắp xếp bộ máy chính quyền cách mạng các huyện và xã, thành lập ban quản lý các cơ sở kinh tế; cử đoàn cán bộ, tổ chức lực lượng và bàn kế hoạch tiến lên thị xã Kon Tum phối hợp khởi nghĩa giành chính quyền.
Tiếp theo khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện An Khê và thị xã Pleiku thắng lợi, khởi nghĩa ở huyện Cheo Reo cũng thành công. Ngày 25-8-1945, lực lượng thanh niên Cheo Reo có sự giúp sức của một số lính bảo an người dân tộc thiểu số đã vận động quần chúng nhân dân nổi dậy chiếm đồn bảo an binh ở huyện lỵ. Ngày 2-9-1945, trong không khí nước nhà độc lập, phái đoàn đại diện chính quyền tỉnh Gia Lai do Chủ tịch Trần Ngọc Vỹ dẫn đầu đến huyện lỵ Cheo Reo dự cuộc mít tinh chào mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa và công bố danh sách Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời gồm những thanh niên trí thức người địa phương do thầy giáo Nay Phin làm Chủ tịch. Ông Nay Đer được cử làm cố vấn chính quyền cách mạng huyện Cheo Reo. Đầu tháng 9-1945, đại diện chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai được cử đến hai huyện Chư Ty và Pleikli thực hiện việc xóa bỏ chính quyền tay sai thực dân và phong kiến, thành lập các Ủy ban Cách mạng lâm thời ở cả 2 huyện.
Chỉ trong vòng hơn 1 tuần lễ, từ thị trấn An Khê, thị xã Pleiku đến các làng, xã cả vùng người Kinh và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh, quần chúng nhân dân đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Hệ thống chính quyền tay sai thực dân, phong kiến bị xóa bỏ hoàn toàn, bộ máy chính quyền cách mạng bước đầu được thiết lập trong toàn tỉnh.
TỐNG THỚI MỐC