Điểm đến Gia Lai

Khởi sắc Ia Krai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một cứ điểm quân sự của Mỹ ngụy, Chư Nghé đang từng ngày khởi sắc, trở thành trung tâm xã Ia Krai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Hiện nay, xã Ia Krai đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng thị tứ Ia Krai lên đô thị loại V.

Truyền thống cách mạng vẻ vang

Trước năm 1975, vùng Ia Krai có đỉnh núi Chư Nghé cao nhất trong vùng. Đứng trên đỉnh núi này có thể ngắm nhìn toàn cảnh nương rẫy, các dòng suối Ia Blan, Ia Khai, Ia Klê và làng xóm, đường đi lối lại ở địa bàn các xã Ia Krai, Ia Khai, Ia O, Ia Chía. Chính vì vậy, Chư Nghé là điểm cao chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng.

Sau Hiệp định Paris, Tiểu đoàn 80 biệt động quân Biên phòng Quân đoàn 2 ngụy trấn giữ cứ điểm Chư Nghé, đồng thời luôn sẵn sàng cơ động chi viện cho các điểm chốt ở lân cận và vùng Thanh An (huyện Chư Prông), Lệ Thanh, Lệ Trung (huyện Đức Cơ)… Hoạt động này của địch nhằm khống chế hành lang vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh. Địch cũng tăng cường nguồn lực xây dựng trên đỉnh núi Chư Nghé một hệ thống công sự lô cốt kiên cố, những hầm hào liên thông với nhà ở, chòi canh gác, sân máy bay dã chiến… Xung quanh cứ điểm Chư Nghé được bao bọc từ 9 đến 14 lớp hàng rào dây thép gai và nhiều lớp chông, bom mìn.

Ảnh: Hoàng Minh
Khu di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé. Ảnh: Hoàng Minh



Với quyết tâm san bằng cứ điểm này, lúc 13 giờ ngày 22-9-1973, Trung đoàn Bộ binh 48 (Sư đoàn 320) phối hợp tác chiến với Đại đội 32 của huyện 4 đồng loạt tấn công cứ điểm Chư Nghé. Sau 3 giờ 30 phút giao tranh ác liệt, với sự mưu trí, dũng cảm, Trung đoàn 48 đã làm chủ hoàn toàn trận địa, xóa sổ toàn bộ Tiểu đoàn 80 biệt động quân Biên phòng Sài Gòn, diệt 87 tên, bắt sống 204 tên, thu 205 súng, 13 máy vô tuyến và 50 tấn đạn. Chiến thắng Chư Nghé là đòn trừng trị, lời cảnh báo đanh thép đối với hành động lấn chiếm vùng giải phóng, cố tình vi phạm Hiệp định Paris, góp phần bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng, đảm bảo an toàn con đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh, đặc biệt là giữ được bí mật đường ống dẫn dầu của ta đang mở qua phía Tây Gia Lai vào Đông Nam Bộ.

Tham gia vào trận đánh quan trọng này, ngoài lực lượng chủ lực còn có công sức to lớn của quân dân huyện Ia Grai. Trong đó có ông Rơ Lan Hlinh (làng Bi Ia Yom), ông Rơ Lan Kai (làng Jrăng Krái), bà Rơ Châm Phyah (làng Tung Breng), bà Puih Phyim (làng Doch Tung), bà Siu Lil (vợ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân A Sanh, làng Doch Ia Krot).

Xây dựng nông thôn mới nâng cao

Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân địa phương cùng các đơn vị quân đội, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đã biến vùng đất từng là chiến địa khốc liệt thành địa bàn sản xuất kinh doanh, làm giàu và đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Năm 2021, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn xã hiện có gần 2.800 hộ/12.000 khẩu, trong đó, hơn 40% là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại 15 thôn, làng. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng (năm 2021 đạt 42,4 triệu đồng, năm 2022 đạt hơn 45 triệu đồng, năm 2023 dự kiến đạt 48 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 4,5%; lao động có việc làm đạt hơn 90% tổng dân số trong độ tuổi lao động. Trên địa bàn xã ngày càng có nhiều triệu phú như gia đình các ông: Nguyễn Ngọc Tuyến, Nguyễn Như Bạt (thôn 1), Nguyễn Tiến Ép, Trương Công Thắng (thôn 4), Rơ Lan Hyu (làng Bi Ya Nách), Siu Quang (làng Bi Ia Yom), Rơ Châm Thinh (làng Ó)...

 Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai) hiện có hơn 1.000 học sinh, trong đó, hơn 25% là học sinh người dân tộc thiểu số. Ảnh: Hoàng Minh
Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai) hiện có hơn 1.000 học sinh, trong đó, hơn 25% là học sinh người dân tộc thiểu số. Ảnh: Hoàng Minh



Hệ thống điện-đường-trường-trạm, công sở, nhà văn hóa thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng… ngày càng hoàn thiện, kiên cố, xanh-sạch-đẹp. Ngoài hơn 18 km tỉnh lộ 664-đoạn đi qua địa bàn xã đang được Nhà nước nâng cấp mở rộng, 100% đường trục xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 93% đường thôn đã được cứng hóa, 75% đường ngõ, xóm và nội đồng không còn lầy lội vào mùa mưa. “Cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển là do được Nhà nước đầu tư cùng với người dân tự nguyện hiến đất làm đường, đóng góp nhiều ngày công xây dựng. Huyện đang xúc tiến đầu tư mở rộng, nâng cấp hơn 15 km đường liên xã Ia Krai-Ia Khai”-ông Nguyễn Đức Thừa-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ia Grai-cho hay.

Cùng với tập trung phát triển kinh tế, xã Ia Krai luôn chú trọng phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch... Các thôn, làng đều có đội văn nghệ, đội cồng chiêng… Trên địa bàn xã có đầy đủ 4 bậc học (mẫu giáo, tiểu học, THCS và THPT), hầu hết học sinh trong độ tuổi đi học đều đến trường. Riêng Trường THPT A Sanh đi vào hoạt động từ năm học 2014-2015, hiện có 24 lớp, với hơn 1.000 học sinh, trong đó, hơn 25% là học sinh người dân tộc thiểu số ở các xã Ia Krai, Ia Khai, Ia O, Ia Chía và Ia Tô. “Đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Nhiều học sinh của trường đã đạt giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh”-thầy Trương Văn Tùng-Phó Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đức Tấn-Chủ tịch UBND xã: Ngoài
Khu di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé đã được xếp hạng cấp tỉnh, Ia Krai còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch như: thác thôn 5, hồ 705, không gian văn hóa cồng chiêng gắn với các nghi lễ cộng đồng… Những điểm đến, những sản phẩm du lịch giàu bản sắc sẵn có ở địa phương, gần với các điểm du lịch nổi tiếng như: thác Mơ, bến đò A Sanh, lòng hồ Sê San 4, Sê San 4A... “Thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử-văn hóa, khách du lịch đến xã tham quan, tìm hiểu. Địa phương xác định tiếp tục phát huy tiềm năng sẵn có, phấn đấu giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và hoạt động chính quyền, phát huy nội lực để phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”-Chủ tịch UBND xã Ia Krai nhấn mạnh.
 

HOÀNG MINH

Có thể bạn quan tâm