TN - Đất & Người

Khởi sắc liên kết sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên: Đưa buôn làng vươn xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tây Nguyên hội tụ đầy đủ những yếu tố để xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn và hiện trở thành một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại đây, những năm qua nhờ tiếp cận khoa học kỹ thuật, đặc biệt là tham gia vào các chuỗi liên kết, đã từng bước chuyển mình trong cách làm nông nghiệp, xóa đi quan niệm làm nông theo kiểu tự cung tự cấp.

Nhờ liên kết tạo ra chuỗi sản phẩm bền vững nên người trồng cà phê ở Đắk Lắk có lợi nhuận cao. Ảnh: MAI CƯỜNG

Nhờ liên kết tạo ra chuỗi sản phẩm bền vững nên người trồng cà phê ở Đắk Lắk có lợi nhuận cao. Ảnh: MAI CƯỜNG

Giàu lên nhờ liên kết

Huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) được biết đến là nơi có lợi thế trồng dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Địa phương đã xây dựng được vườn sâm Ngọc Linh lớn với diện tích khoảng 1.700ha. Tuy nhiên, trồng sâm ở vùng đất có tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95% là điều hết sức khó khăn do giá cây giống cao (khoảng 300.000 đồng/cây). 6 năm trước, dưới sự định hướng của chính quyền địa phương, người đồng bào Xơ Đăng đã xây dựng các tổ, nhóm để liên kết trồng sâm với Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Giữa trưa nắng, vợ chồng ông A Ngôm (40 tuổi, thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) lên rừng nhổ cỏ, tưới nước chống hạn cho vườn sâm. “Vườn sâm hơn 1.000 cây là tài sản lớn nhất của gia đình, giúp chúng tôi thoát nghèo. Gia đình kỳ vọng thời gian tới, khi vườn sâm được nhân rộng, sẽ vươn lên làm giàu, xây nhà mới, mua được ô tô. Có được cuộc sống tốt đẹp như bây giờ là nhờ gia đình tôi tham gia tổ liên kết trồng sâm với doanh nghiệp”, ông A Ngôm nói. Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho biết: “Hiện xã có khoảng 300 hộ đồng bào DTTS liên kết trồng sâm với doanh nghiệp. Nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, bà con có nguồn lực để xây dựng vườn sâm. Thậm chí, nhiều người đã vươn lên thành tỷ phú”.

Tại Lâm Đồng, các mô hình khởi nghiệp liên kết đang được thế hệ trẻ tại địa phương này đẩy mạnh. Những năm qua, anh Y Cường (39 tuổi, Tổ trưởng Tổ hợp tác Chư Mui, xã Lát, huyện Lạc Dương) liên kết sản xuất với các hộ đồng bào K’Ho trong vùng, tạo nên chuỗi sản xuất bền vững, áp dụng được nhiều tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, thu hái, bảo quản nông sản. Đồng bào ở xã Lát qua quá trình được Y Cường và chính quyền địa phương hỗ trợ, nay đã biết sử dụng phân bón an toàn và biết liên kết để cùng nhau xây dựng thương hiệu cà phê arabica Lạc Dương.

Ông Klong Ha Prăng (thành viên Tổ hợp tác Chư Mui) chia sẻ: “Hồi xưa, ai bày thế này thế kia thì cứ nghe theo mà tự mày mò làm, lúc được lúc mất. Giờ anh em cùng làm, cùng tạo ra kết quả tích cực. Tôi vui và tự hào lắm”. Ngoài được nhà nước hỗ trợ vốn, các thành viên trong Tổ hợp tác Chư Mui còn tiên phong đầu tư hơn 100 triệu đồng mua sắm máy rang cà phê chuyên dụng. Nhờ đó, sản phẩm cà phê arabica của tổ hợp tác có giá bán cao hơn hẳn những mặt hàng thông thường. Cụ thể, cà phê bột nguyên chất bourbon bán với giá 600.000 đồng/kg, arabica nguyên chất bán 300.000 đồng/kg.

Còn tại Đắk Lắk, thời gian qua, các mô hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) theo hướng liên kết sản xuất chuỗi giá trị được đẩy mạnh. Ghé thăm HTX Ea H’Đinh (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk), khi đơn vị này đang thu hoạch lúa cho bà con vùng sản xuất, ông Y Hưng Niê, Giám đốc HTX Ea H’Đinh, cho biết, vụ mùa năm nay HTX liên kết trồng lúa với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính với diện tích hơn 50ha. Bà con tham gia đa số là đồng bào DTTS và toàn bộ diện tích liên kết được phía công ty cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Không chỉ vậy, công ty liên kết cũng thu mua lúa giá cao hơn giá thị trường nên người dân có lợi nhuận cao hơn trước.

Ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Việc tham gia chuỗi liên kết cũng đóng góp vai trò không nhỏ trong việc giảm thiểu tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa khi người nông dân đã sản xuất theo kế hoạch, theo hợp đồng đã ký kết trước khi tiến hành gieo trồng. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế cho nông sản, hỗ trợ trong công tác xây dựng mã số vùng trồng cho một số loại nông sản xuất khẩu của tỉnh cũng như tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho hoạt động chế biến nông sản”.

Không lo tắc đầu ra

Khi tham gia vào các chuỗi liên kết, tổ hợp tác, người dân được hỗ trợ về cây giống, phân bón, kỹ thuật sản xuất và đặc biệt là được hỗ trợ đầu ra. Tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), ngoài thành công từ mô hình liên kết trồng sâm Ngọc Linh, các mô hình liên kết trồng các loại cây dược liệu khác như sâm dây, sơn tra, lan kim tuyến và các loại gừng, nghệ, bưởi đã tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu, giúp dân tăng thu nhập đáng kể.

Ông Hà Văn Phương, Giám đốc HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông), cho biết: “Ba năm nay, đơn vị liên kết trồng nghệ, gừng, chanh, bưởi trên cánh đồng rộng 20ha với 37 hộ dân đồng bào Xơ Đăng tham gia. Việc liên kết nhằm mục đích xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. HTX cung ứng giống, người dân góp đất và sản phẩm được bao tiêu. Sản phẩm được HTX thu mua luôn cao hơn giá bán tại chợ. Chỉ riêng chanh, giá thu mua cao hơn 5.000 đồng/kg so với giá thị trường. Trong các năm 2022 và 2023, HTX đã thu mua 36 tấn nghệ, gừng, chanh, bưởi của bà con đồng bào để chế biến sâu, phục vụ xuất khẩu sang châu Âu”.

Đối với nông dân trẻ Lưu Lập Đức (32 tuổi, dân tộc Tày, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), từ năm 2015, anh cùng các đoàn viên thanh niên là người DTTS trên địa bàn thành lập tổ liên kết trồng, thu mua, tiêu thụ các sản phẩm như khoai lang, su su, cà chua, cà rốt. Qua đó đã giúp nông dân trong vùng giải quyết các vấn đề về sơ chế, đóng gói, vận chuyển làm sao đảm bảo chất lượng tốt nhất đến đối tác và người tiêu dùng. Từ vài tạ rau mỗi ngày cung cấp vào chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, đến nay mỗi ngày tổ liên kết cung cấp hơn 20 tấn rau các loại vào nhiều chuỗi siêu thị lớn như GO, CoopMart… tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, lợi nhuận hàng tháng khoảng 250 triệu đồng.

Những năm qua, tại Lâm Đồng, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý từ vùng trồng không chỉ tạo sự tin cậy đối với người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao ý thức sản xuất cà phê của bà con, nhất là những hộ đồng bào DTTS. Sản lượng trên mỗi đơn vị diện tích trồng cà phê bền vững tăng từ 10%-20% so với trước. Các sản phẩm có gắn chỉ dẫn địa lý được gia tăng giá trị 30%-50%.

Ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Dự án cà phê REDD+ chia sẻ: “Qua 4 năm cùng đồng hành dự án thì người dân đã nhận thức rõ về việc canh tác cà phê bền vững và mô hình nông lâm kết hợp. Đồng bào khi tham gia đã tuân thủ các kỹ thuật, quy trình đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế để sản phẩm đạt yêu cầu xuất khẩu”.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 114 chuỗi liên kết, trong đó có 6 chuỗi liên kết cấp tỉnh, 106 chuỗi cấp huyện và 2 chuỗi cấp xã. Ngoài ra, có khoảng 10 chuỗi do doanh nghiệp và người dân tự liên kết. Còn tỉnh Lâm Đồng có 234 chuỗi liên kết với 31.092 hộ liên kết (28.159 hộ trồng trọt và 2.933 hộ chăn nuôi). Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 52.897ha với sản lượng 589.261 tấn. Việc xây dựng các chuỗi liên kết mở ra thị trường tiêu thụ bền vững đối với các mặt hàng nông sản địa phương.

Có thể bạn quan tâm