Quan tâm phát triển cụm công nghiệp, thủy lợi
Tại phiên thảo luận tổ, hầu hết các ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo của HĐND và UBND tỉnh. Các đại biểu cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2024, Gia Lai đã cơ bản hoàn thành được các nhiệm vụ trọng tâm, kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ ổn định.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ, làm tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội tỉnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Đại biểu Tô Văn Chánh-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pa- cho rằng: Mặc dù kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng, khởi sắc nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, đây là vấn đề hết sức trăn trở. Đề nghị UBND tỉnh cần có đánh giá, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp tháo gỡ kịp thời cho phát triển năm 2025.
Điển hình như lĩnh vực xây dựng cơ bản, rất nhiều vướng mắc về đất đắp, cát xây dựng, giải phóng mặt bằng… dẫn đến chậm tiến độ, chậm giải ngân; hay các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa thể hòa lưới điện, gây lãng phí nguồn lực xã hội, khó khăn cho các doanh nghiệp và nguồn thu của địa phương.
“Đặc biệt, UBND tỉnh, các sở, ngành cần quan tâm quy hoạch, phát triển các cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện để các địa phương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội”-đại biểu Chánh đề nghị.
Cũng quan tâm đến quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp, đại biểu Trần Đình Hiệp-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mang Yang nhận định: Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp-thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: cà phê, cao su, mía, sắn, chè,... tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh cần quan tâm tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện để các cụm công nghiệp phát triển.
Về vấn đề này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung thông tin: “Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang quy hoạch 31 cụm công nghiệp với diện tích 1.900 ha, trong đó có 14 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh thành lập với tổng diện tích trên 500 ha. Bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chung theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay một số cụm công nghiệp vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.
“Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiến hành rà soát để gỡ vướng, nhanh chóng đưa các cụm công nghiệp vào hoạt động”-Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.
Quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng kênh mương thủy lợi, đại biểu Võ Anh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho rằng: Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra càng gay gắt, tình trạng thiếu nước sản xuất, hạn hán xảy ra thường xuyên, tỉnh cần đẩy nhanh triển khai đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đã có chủ trương đầu tư. Cùng với đó, bố trí vốn hoàn thiện hạ tầng kênh mương nội đồng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Chánh-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pa nêu thực trạng tại công trình thủy lợi Ia Mlah (xã Ia Mlah). “Dù đã được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng hồ chứa nước nhưng không phát huy được tối đa năng lực tưới do thiếu hệ thống kênh mương nội đồng. Đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan cần tính toán đầu tư hoàn thiện hạ tầng kênh mương thủy lợi để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn”-đại biểu Chánh kiến nghị.
Thông tin về vấn đề này, ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh-cho biết: Việc kiên cố hóa hệ thống kênh mương từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á do gặp nhiều vướng mắc nên đến thời điểm này mới trình lên Thủ tướng Chính phủ phương án vay. Dự kiến sẽ được thông qua trong năm nay.
Do đó, dự án này sẽ được triển khai trong năm 2025, trong đó, tại huyện Krông Pa sẽ được đầu tư 32 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống kênh mương, cải tạo đồng ruộng. Sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 700 ha lúa, hoa màu của người dân.
"Chúng tôi cũng đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn về mặt bằng nhằm đẩy nhanh triển khai đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương hồ thủy lợi Tầu Dầu 2, Ia Rtô, Plei Thơ Ga nhằm phát huy hiệu quả năng lực tưới từ các công trình này'-ông Điệp thông tin.
Làm rõ nhiều vướng mắc, bất cập
Sau 14 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo của Gia Lai đã có sự chuyển biến rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, đời sống người dân ngày một nâng cao. Phát huy những thành quả đạt được, các đại biểu kỳ vọng tỉnh tiếp tục xây dựng NTM theo hướng thực chất, bền vững.
Đồng quan điểm với các đại biểu, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT-cho rằng: “Chúng ta cần xem xét lại các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2025, nhất là chỉ tiêu số huyện, xã nông thôn mới cho phù hợp tránh chạy theo thành tích”.
Khẳng định quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đề nghị: “Chúng ta phải xác định, để đạt được các tiêu chí NTM là điều không hề dễ dàng. Chúng ta phải đi theo thực chất, không phải theo số lượng. Tỉnh phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân nông thôn, nhất là các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM; tập trung phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân nông thôn”.
Một số vấn đề nổi cộm còn tồn tại được đại biểu thẳng thắn nhìn nhận trong phiên thảo luận tại tổ. Trong đó, vấn đề được các đại biểu quan tâm và đề cập nhiều là tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện: Các dự án thu hút đầu tư; xây dựng cơ bản; hạ tầng, trang thiết bị y tế; hạ tầng giao thông; khai thác tiềm năng phát triển du lịch,…
Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Nguyễn Trường Sơn-cho hay: Đối với thiết kế mẫu đường giao thông nội đồng, được triển khai dựa trên thiết kế của Bộ Giao thông-Vận tải.
Tuy nhiên, việc áp dụng mẫu thiết kế này trên toàn quốc là không phù hợp, còn tùy vào điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương. Do đó, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ ban hành thêm nhiều mẫu để các địa phương có thêm nhiều lựa chọn. Thế nhưng, khi mẫu thiết kế đường càng lớn thì chi phí càng nhiều. Đây là bài toán cần tính toán kỹ.
Nhức nhối nhất vẫn là vấn đề xe chở vật liệu quá tải trọng ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông. Do đó, các địa phương cần có giải pháp kiểm soát ngay tại các mỏ khoáng sản, tránh tình trạng khi lưu thông sẽ khó xử lý, gây mất an toàn giao thông.
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên-cho rằng: Bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2024 thì cũng có một số chỉ tiêu chúng ta chưa thực hiện tốt, cần có giải pháp tháo gỡ, thực hiện ngay từ bây giờ. Các chỉ tiêu đề ra trong năm 2025 có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, nghị quyết 5 năm (2020-2025). Do đó, chúng ta cần có quyết tâm chính trị cao nhất và phải đề ra các giải pháp để phải bắt tay vào thực hiện ngay từ bây giờ.
“Chúng ta cần phải khơi thông, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện. Đối với các dự án đầu tư vào tỉnh còn tồn đọng, thì cần có ý kiến với Trung ương ngay để có hướng tháo gỡ kịp thời nhằm tạo thuận lợi trong triển khai, góp phần tạo nguồn thu lớn cho tỉnh. Đối với các dự án đầu tư công liên quan đến đất đắp, chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy là đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh rà soát, loại các dự án để có hướng giải quyết, tháo gỡ”-Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu các cấp ủy, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị tỉnh. Đồng thời, các vị đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận, ý kiến, đề xuất giải pháp căn cơ nhằm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Chiều nay, kỳ họp sẽ thảo luận chung tại hội trường; tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.