Kinh tế

Khơi thông nguồn vốn phục vụ nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngay khi mới đi vào hoạt động (năm 2005), Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa (Gia Lai) đã sớm nhận thức phải đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, chú ý phát triến các sản phẩm truyền thống kết hợp với sản phẩm mới, mở rộng thị phần, nâng cao chất lượng dịch vụ tín dụng, tăng trưởng quỹ tín dụng và tăng cường năng lực cạnh tranh.
Ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định 67/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chi nhánh còn phối hợp với Hội Nông dân thực hiện tốt Nghị quyết Liên tịch 2308, phối hợp với Hội Phụ nữ thực hiện Nghị quyết Liên tịch 02 để mở rộng cho vay tới hộ nông dân, hộ cá thể có nhu cầu. Chi nhánh cũng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở huyện, xã xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng ngay tại xã và các tổ vay vốn tại từng thôn, làng để giúp người dân tiếp cận với ngân hàng (NH) và giúp NH đi vào từng thôn để cho vay hộ nông dân. Cán bộ NH cùng với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ ở xã, thôn tổ chức họp dân ở 93/93 thôn, làng triển khai chủ trương cho vay hộ sản xuất và thành lập tổ vay vốn. Thông qua cách tổ chức này, hộ nông dân được vay vốn thuận lợi, nhanh chóng; NH đầu tư rộng khắp, đúng mục đích, hiệu quả; vốn vay được chính Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và người dân giám sát chặt chẽ.
Phân loại thuốc lá. Ảnh: Thất Sơn
Phân loại thuốc lá. Ảnh: Thất Sơn
Cùng với việc đáp ứng nguồn vốn, Chi nhánh phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện tổ chức tập huấn cung cấp cho bà con kiến thức sản xuất, kinh doanh. Nhờ có kiến thức và được vay vốn NH thuận tiện, kịp thời, nhiều hộ đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả rõ rệt, xóa được đói, giảm được nghèo, có tích lũy và vươn lên làm giàu. Nông dân sử dụng vốn vay hiệu quả, sinh lời cao nên thực hiện nghĩa vụ trả nợ lãi và gốc đầy đủ, đúng kỳ hạn. Tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh nhờ đó được khống chế dưới 3%; hàng năm đạt tỷ lệ thu lãi đúng hạn trên 90%.
Qua 5 năm đi vào hoạt động, các tổ vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện đã ăn sâu, bám rễ vững chắc ở các thôn, làng trong huyện, có tác dụng không chỉ về thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn góp phần ổn định an ninh chính trị xã hội tại địa phương. Đến nay, Chi nhánh cùng với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã thành lập được 420 tổ vay vốn, với 3.489 thành viên. 93 thôn, làng của 9 xã có quan hệ tín dụng với NH. Số hộ vay vốn lên đến 5.800 hộ/7.800 hộ toàn huyện, tỷ lệ dư nợ bình quân 30 triệu đồng/hộ. Tổng dư nợ của Chi nhánh tăng lên nhanh chóng; năm 2004 khi mới thành lập, dư nợ chỉ có 25 tỉ đồng thì đến cuối 2009 đã lên đến 162 tỉ đồng.
Ông Rơ Ô Phớt ở thôn Ma Drung, xã Ia Trôk có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng nhờ vay vốn của NH phát triển sản xuất nên vươn lên trở thành tỉ phú. Hay như gia đình ông Phạm Quốc Cường, ở xã Chư Răng vay của Chi nhánh 250 triệu đồng để đầu tư kinh doanh xăng dầu. Sau 2 năm, ông đã trả hết gốc và lãi cho ngân hàng, lại còn phát triển thêm một cây xăng nữa.
Người dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao, có thêm nguồn tiền dư giả đã gửi tiết kiệm vào NH, giúp cho hoạt động kinh doanh của Chi nhánh có sự tăng trưởng đáng kể. Nếu như năm 2004, khi mới thành lập Chi nhánh, nguồn vốn huy động không có đồng nào, thì 5 năm sau nguồn vốn huy động tiền gửi của nhân dân vào Chi nhánh đã đạt 50 tỉ đồng.
Nhờ sự hiện diện của Chi nhánh tại thôn, làng thông qua tổ vay vốn mà của các tổ chức Hội, đoàn thể ở cơ sở hoạt động sôi nổi hơn, nội dung sinh hoạt phong phú hơn; mối quan hệ của các thành viên trong tổ vay vốn được gắn chặt, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, đoàn kết. Các buôn làng nhờ có tổ vay vốn mà thêm sôi động, hăng say tìm hiểu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức sản xuất kinh doanh, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ đói nghèo toàn huyện xuống còn 23% vào cuối năm 2009.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm