Sức khỏe

Không chủ quan với sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, tình hình mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Gia Lai có dấu hiệu giảm dần. Ghi nhận tại các cơ sở khám-chữa bệnh trên toàn tỉnh, số ca mắc SXH chỉ xuất hiện rải rác. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, số ca mắc SXH có thể sẽ gia tăng nên công tác phòng-chống bệnh này luôn được ngành Y tế chủ động triển khai chặt chẽ.


Tính đến hết tháng 4-2018, toàn tỉnh có 262 ca mắc SXH, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc xảy ra tại 54/222 xã, phường, thị trấn của 15/17 huyện, thị xã, thành phố. Địa phương có số người mắc SXH nhiều nhất là thị xã Ayun Pa với 63 ca, tiếp theo là TP. Pleiku 61 ca, huyện Krông Pa 51 ca; 2 địa phương chưa ghi nhận ca mắc SXH nào là huyện Đak Pơ và thị xã An Khê.

 

Các cơ sở y tế chủ động vật tư, cơ số thuốc, đảm bảo khám-chữa bệnh cho người dân. Ảnh: N.N
Các cơ sở y tế chủ động vật tư, cơ số thuốc, đảm bảo khám-chữa bệnh cho người dân. Ảnh: N.N

Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai, cho biết: So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc SXH giảm gần 50%. Nhìn chung, diễn biến bệnh SXH trong 4 tháng đầu năm 2018 không có bất thường như các năm trước. Dẫu vậy, công tác phòng-chống SXH nói riêng, dịch bệnh nói chung luôn được tăng cường, chủ động.

Những năm gần đây, dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp, không theo chu kỳ 3-5 năm một lần như trước. Năm 2016, dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường với trên 13 ngàn ca mắc SXH (có trường hợp tử vong) khiến ngành Y tế rất vất vả. Năm 2017, số ca mắc SXH giảm hơn 4 lần so với năm 2016, ghi nhận trên toàn tỉnh có gần 3.000 ca mắc. “Căn cứ vào diễn biến thất thường của thời tiết và đặc điểm dịch tễ thì diễn biến SXH trong năm 2018 rất khó lường. Đặc biệt, sắp bước vào mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho SXH nói riêng và các dịch bệnh khác có điều kiện phát sinh, do đó chủ động trong công tác phòng-chống dịch bệnh là việc cấp thiết”-ông Hồ Ngọc Gia cho biết thêm.

Ngày 19-4-2018 vừa qua, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường-diệt lăng quăng/bọ gậy phòng-chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là huy động cộng đồng và các lực lượng xã hội tham gia chiến dịch tạo thành một phong trào rộng rãi, triệt để và toàn diện; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, làm thay đổi hành vi vệ sinh môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh, khống chế không để dịch xảy ra tại địa phương. Bắt đầu từ tháng 5-2018, chiến dịch sẽ triển khai đồng loạt tại các địa phương trên toàn tỉnh.  

Về phía Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, theo ông Hồ Ngọc Gia, Trung tâm tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố có số người mắc cao triển khai các hoạt động phòng-chống theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường giám sát các trường hợp bệnh, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở khám-chữa bệnh, tại cộng đồng; khoanh vùng, xử lý triệt để theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát thành dịch. Mặt khác, đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn cộng đồng khu dân cư về công tác vệ sinh môi trường. Tập trung hướng dẫn, tư vấn cách phòng bệnh tại hộ gia đình. Phối hợp với chính quyền địa phương huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng-chống dịch bệnh.

Công tác khám, điều trị cho người dân tại các cơ sở y tế khi dịch bệnh xảy ra cũng được chú trọng. Các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đều có kế hoạch chủ động ứng phó. Ông Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Bệnh viện luôn chủ động kế hoạch khám-chữa bệnh, sẵn sàng trong mọi tình huống khi dịch bệnh xảy ra; chuẩn bị đầy đủ vật tư, cơ số thuốc đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm