Kinh tế

Giá cả thị trường

Không nên mua gạo tích trữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu (XK) 5% tấm của Việt Nam vào ngày 18-8 đã vượt của Thái Lan, ở mức 628 USD/tấn (trong khi giá XK của Thái Lan là 610 USD/tấn), gạo 25% tấm có giá XK là 618 USD/tấn (cao hơn 57 USD/tấn so với Thái Lan). Như vậy, giá gạo XK của Việt Nam hiện nay đang đứng đầu thế giới.

Giá gạo XK tăng tạo điều kiện cho giá lúa và giá gạo trong nước tăng theo. Tại một số chợ ở ĐBSCL, gạo trắng thường ở mức 15.000 đồng/kg, thơm Thái hạt dài từ 18.000-20.000 đồng/kg, gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg, gạo Jasmine thơm từ 17.000-18.000 đồng/kg…

Ông Nguyễn Văn Sơn - chủ cơ sở bán gạo tại chợ Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ - cho hay: "Giá tất cả các loại gạo đều tăng từ 3.000-4.000 đồng/kg so với cách đây một tháng. Mỗi ngày lượng gạo chỗ tôi bán ra có tăng so với tháng trước, tuy nhiên không có tình trạng người dân ồ ạt đi mua tích trữ như năm 2008. Nguồn gạo tại các nhà máy mà tôi lấy hàng rất dồi dào, sẽ không lo thiếu gạo để bán cho dân".

Tình trạng giá gạo làm nhiều người nhớ đến cơn "sốt" gạo vào năm 2008. Bà Đỗ Thị Chi (ngụ huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) nhớ lại: "Tôi nhớ năm 2008, dân ùn ùn ra chợ Trà Ôn tranh mua gạo và giá thời điểm đó tăng cao gấp đôi so với cùng kỳ.

Tôi và người nhà phải thay phiên nhau đứng chờ tới lượt được mua. Còn hai tuần nay, giá gạo đã tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg, bình thường loại tôi mua là 16.000 đồng/kg, thì hiện nay tăng lên 18.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tôi không mua tích trữ vì thấy gạo bán ở chợ rất nhiều, mỗi lần mua chỉ 10 kg để ăn dần, khi nào hết thì mua tiếp".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ, TP đang xuống giống vụ thu đông hơn 62.000 ha, hiện có 55% diện tích đang trong giai đoạn làm đòng và trổ bông. Địa phương có khoảng 359.000 hộ dân, mỗi tháng tiêu thụ cao nhất khoảng 10.770 tấn gạo. So với sản lượng thu hoạch và chế biến chỉ cách nhau vài tháng thì không có chuyện thiếu gạo nên ngành chức năng khuyến cáo vấn đề mua gạo tích trữ là chưa cần thiết.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện thực hiện quy hoạch sản xuất lúa, chỉ đạo việc cung ứng vật tư, cơ cấu giống, thực hiện kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng gạo đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và cho XK. Đồng thời, theo dõi sát tình hình hoạt động của các thương nhân kinh doanh XK gạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, VFA và các thương nhân kinh doanh XK gạo để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về XK gạo theo thẩm quyền.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, nguyên Phó Trưởng Khoa Phát triển nông thôn - Trường ĐH Cần Thơ, khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ gạo trong thời điểm này vì Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT đã cân đối lượng gạo cho XK và tiêu dùng trong nước. Vì vậy, sẽ không lo tình trạng thiếu gạo ăn như thời điểm năm 2008.

GS-TS Nguyễn Ngọc Đệ nói: "Tôi nghĩ sẽ không có hiện tượng tích trữ gạo vì gạo trong nước dồi dào tuy hiện nay giá có tăng chút đỉnh. Riêng đối với giá gạo XK đang tăng vượt Thái Lan, thời gian tới nó sẽ tăng thêm một mức nào đó thôi. Vì nếu tăng lên quá thì người ta sẽ chuyển sang ăn thực phẩm khác chứ không mua gạo nữa".

Hiện có thông tin Ấn Độ sớm dỡ bỏ lệnh cấm XK gạo, PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ cho rằng doanh nghiệp XK gạo của ta đừng lo vì ít nhất Ấn Độ phải cần cả tháng để chuẩn bị đủ điều kiện cho XK trở lại.

Trước đó, tại hội nghị "Triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo" được tổ chức ở TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định khi bắt đầu vào quý II/2023, bộ đã điều chỉnh mùa vụ làm sao để bảo đảm an ninh lương thực và XK.

Có thể bạn quan tâm