Nguyên nhân là do thiếu chuyên gia về khoa học kỹ thuật, nông dân yếu về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước có 20.100 ha ca cao, niên vụ 2010-2011, sản lượng ca cao Việt Nam đạt 5.760 tấn hạt khô. Định hướng của ngành Nông nghiệp đến năm 2015 sẽ trồng 35.000 ha ca cao, năng suất bình quân đạt 1 tấn/ha, tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 60 triệu USD.
Tuy nhiên, hiện nay việc mở rộng diện tích trồng ca cao còn nhiều nguy cơ gặp rủi ro do thiếu chuyên gia về khoa học kỹ thuật, nông dân yếu về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; sản phẩm ca cao chủ yếu mới xuất khẩu thô dưới dạng nguyên liệu...
Giá ca cao trên thị trường thế giới cũng đang có xu hướng giảm, hiện giá chỉ còn 2.730 USD/tấn, giảm tới trên 900 USD/tấn so với những tháng đầu năm. Trong khi ca cao là cây trồng lâu năm, sau khi trồng từ 5-6 năm mới cho thu hoạch, nếu không tiêu thụ được hoặc gặp dịch bệnh người dân sẽ thiệt hại lớn.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương không phát triển diện tích trồng ca cao một cách ồ ạt mà phát triển chất lượng, bền vững. Mô hình phổ biến cho những diện tích trồng mới sẽ là trồng xen ca cao dưới tán cây trồng cây lâu năm chủ lực khác. Thực hiện chủ trương này, các địa phương đang tích cực hướng dẫn nông dân cách trồng xen ca cao để đảm bảo đúng kỹ thuật và đúng quy hoạch.
Ông Tô Thành Buông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, địa phương đang thực hiện dự án trồng xen ca cao cho biết: “Sở Nông nghiệp Đồng Nai đã có kế hoạch, chương trình trồng cây ca cao. Sở sẽ nghiên cứu, bố trí khu vực trồng thích hợp, để từ đó phổ biến cho các huyện, thông báo tới người dân thực hiện một số chính sách theo dự án, trồng cây ca cao cho đúng quy hoạch và đúng kỹ thuật. Cây ca cao dự kiến sẽ được trồng dưới cây điều, theo chỉ đạo và mô hình của Bộ Nông nghiệp”.
Theo VOV