Kinh tế

Giá cả thị trường

Không tư duy "đánh bạc" với thị trường xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Niên vụ dứa năm nay các đối tác Trung Quốc không thu mua, dứa chín đầy nương rẫy, giá sụt giảm thê thảm khiến nông dân lao đao. Phát biểu về tình trạng này, lãnh đạo ngành Nông nghiệp một địa phương thừa nhận đã thua canh bạc "xuất sang Trung Quốc" vì Trung Quốc bất ngờ “cắt cầu", trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, cần phải bỏ tư duy “đánh bạc” với thị trường xuất khẩu và cần những chiến lược bài bản để dứa nói riêng, nông sản Việt nói chung tiếp cận thị trường bằng con đường chính ngạch.
Từ chuyện quả dứa…
Từ cuối tháng 3 đến nay, các vùng trồng dứa trên địa bàn tỉnh Lào Cai bước vào vụ thu hoạch, thế nhưng, thay vì niềm vui được mùa nông dân lại rớt nước mắt nhìn dứa chín đầy trên nương rẫy mà không có người thu mua, giá dứa đang giảm nhanh.
 
Nông dân "khóc ròng" vì không tiêu thụ được dứa
Theo các hộ nông dân trồng dứa ở huyện Mường Khương, Lào Cai, năm nay, thay vì bán buôn cho thương lái ngay tại nương rẫy như những năm trước, thương lái không đến thu mua và thời điểm này, giá giảm còn chưa đầy 2.000 đồng/kg, với mức giá này người trồng dứa phải bù lỗ khoảng 1.000 đồng/kg.
Tương tự, từ nửa cuối tháng 2 đến nay, nông dân tại huyện Quỳnh Lưu – địa phương có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh Nghệ An với hơn 1.000 ha - cũng đang khóc ròng vì giá dứa giảm kỷ lục, xuống còn 1.000-3.000 đồng/kg tùy loại nhưng cũng không có người mua. Đồng cảnh ngộ, nông dân trồng dứa tại các huyện Hà Trung, Yên Định, Ngọc Lặc, Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá cũng mất ăn mất ngủ vì dứa chín đầy đồi nhưng không tiêu thụ được. Theo người trồng dứa ở Thanh Hoá, sản lượng dứa trung bình khoảng 55-60 tấn/ha, tuy nhiên giá dứa loại 1 chỉ bán được 3.000 đồng/kg. Trừ các chi phí người trồng dứa không những không có lãi mà còn lỗ vốn.
Nói về hiện tượng dứa ứ đọng trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Hùng - Chi cục trồng trọt bảo vệ thực vật Lào Cai – cho biết, địa phương có 1.200ha trồng dứa và chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nhưng năm nay dứa không xuất được bởi nước này siết chặt nhập tiểu ngạch, trong khi dứa chưa phải là mặt hàng xuất được chính ngạch vào thị trường này.
… đến yêu cầu thay đổi tư duy tiếp cận thị trường xuất khẩu
Dứa không thể xuất khẩu sang Trung Quốc do nước này siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch và dứa nằm ngoài danh sách 8 loại trái cây được nhà nước Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch (Hiện có xoài, nhãn, chuối, mít, vải, dưa hấu, thanh long và chôm chôm nằm trong danh sách này), do đó, những thương lái (cả Việt Nam và Trung Quốc) đều không thể mua dứa của nông dân để xuất theo con đường tiểu ngạch như trước.
 
Cần có những chiến lược bài bản để nông sản Việt tiếp cận thị trường bằng con đường chính ngạch
Được biết từ tháng 5/2018, Trung Quốc đã thông báo cho Việt Nam việc họ bắt đầu thay đổi chính sách nhập khẩu theo hướng khắt khe hơn, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao hơn và sẽ siết nhập khẩu tiểu ngạch đối với một số nông sản của Việt Nam. Cụ thể hơn từ ngày 1/5/2019, Trung Quốc sẽ áp dụng quy định mới về gắn tem mác, vật lót, bao bì đối với dưa hấu, chuối, mít. Ngoài ra, còn một loạt yêu cầu mới, như: yêu cầu kỹ thuật về an toàn nguyên liệu, thực phẩm; quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Yêu cầu đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc. Khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng…
Đặc biệt, từ 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp cho từng lô hàng.
Song rõ ràng đến nay, nông dân, doanh nghiệp và cả nhà quản lý vẫn chưa có sự chuẩn bị thấu đáo. Chẳng thể mà một lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã phát ngôn rằng, một cân dứa bằng cốc trà đá, chúng tôi thua canh bạc "xuất sang Trung Quốc" vì Trung Quốc bất ngờ cắt cầu.
Đưa ra bình luận, một chuyên cho rằng, khi thị trường Trung Quốc khắt khe hơn với nông sản Việt thì đương nhiên chúng ta phải thay đổi toàn diện từ phương thức sản xuất đến cách thức lưu thông hàng hóa để tiếp cận với thị trường chứ không thể giữ tư duy “đánh bạc với thị trường xuất khẩu”, với sinh kế của người nông dân. Trước khi tình hình trở lên trầm trọng hơn, chúng ta cần có giải pháp xử lý nhanh lượng nông sản không xuất được và giải pháp giải quyết tình hình mới khi Trung Quốc kiên quyết áp dụng chính sách họ đã thông báo gần một năm trước.
Ở cả góc độ sản xuất và kinh doanh, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – dẫn số liệu rau quả tươi canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hiện chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng diện tích canh tác, nếu tăng lên 60%-70% thì không lo đầu ra nên vấn đề là trồng trọt phải theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
Cùng đó, với dự báo tình hình tiêu thụ trái cây năm nay sẽ khó khăn do Việt Nam vẫn chưa mở thêm được mặt hàng nào mới sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyên cho rằng, các doanh nghiệp phải lên tiếng với các hiệp hội, với các cơ quan chức năng để đẩy mạnh việc ký kết với thị trường Trung Quốc để có thể xuất khẩu chính ngạch.
Trong khi đó, một ý kiến rất đáng quan tâm từ PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) rằng, thị trường Trung Quốc không muốn nhập khẩu tiểu ngạch nữa và họ đã yêu cầu Việt Nam phải chuyển sang chính ngạch từ lâu nhằm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng nông sản. Rõ ràng họ muốn làm ăn đàng hoàng, quy củ. Như thế, nguyên tắc đơn giản nhất là người mua được yêu cầu người bán, chứ không phải người bán yêu cầu người mua phải mua hàng mà mình có. Vì vậy, không có cách khác, từng người nông dân, từng doanh nghiệp phải hiểu rằng cách trồng trọt bây giờ đã khác trước, muốn bán được hàng cho Trung Quốc thì hàng hóa phải có xuất xứ, chất lượng chứ không thể giữ thói quen sản xuất, buôn bán theo lối cũ, có hàng gì cũng chở lên biên giới, đắt rẻ gì cũng bán.
Cụ thể hơn, ông Nam đưa khuyến nghị, các bộ, ngành hữu quan cùng chính quyền các địa phương cần hợp tác với nhau, tổ chức thành các đoàn, chủ động đến từng nông trại, từng hợp tác xã... phổ biến, thông tin kịp thời đến người dân, doanh nghiệp về sự thay đổi của thị trường Trung Quốc, yêu cầu của thị trường ấy ra sao và người dân, doanh nghiệp cần làm gì... Ông Nam lạc quan cho rằng, Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính nhất, như: Mỹ, Nhật, Australia... thì hoàn toàn có thể đáp ứng được thị trường Trung Quốc, chỉ cần doanh nghiệp Việt chịu khó thay đổi.
Hoàng Châu (Công Thương)

Có thể bạn quan tâm