Kinh tế

Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh: Hướng đến đô thị biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, Khu Kinh tế Cửa khẩu (KKTCK) Quốc tế Lệ Thanh hội đủ các điều kiện để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong tương lai không xa, đây hứa hẹn sẽ trở thành một đô thị trên khu vực biên giới.

Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được thành lập trên cơ sở KKTCK đường 19 (theo Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 21-9-2001 của Thủ tướng Chính phủ). Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay, KKTCK Quốc tế Lệ Thanh đã có nhiều thay đổi, từ vùng biên xa xôi hẻo lánh trở thành khu vực khá sầm uất, có siêu thị, khách sạn, nhà hàng và được nhiều doanh nghiệp, đơn vị đến đầu tư.

 

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: internet
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: internet

Nằm trên quốc lộ 19 cách trung tâm TP. Pleiku 70 km, cách  TP. Ban Lung (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) 78 km và cách cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) 235 km, KKTCK Quốc tế Lệ Thanh có nhiều lợi thế về giao thông để phát triển kinh tế và du lịch. Đặc biệt, đây là khu vực kết nối quan trọng trong hoạt động sản xuất, thương mại giữa 2 tỉnh Gia Lai và Ratanakiri nói riêng và giữa các nước trong khối ASEAN nói chung. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển KKTCK Quốc tế Lệ Thanh có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với tỉnh Gia Lai.

Trong giai đoạn 2011-2016, thu ngân sách tại KKTCK Quốc tế Lệ Thanh có mức tăng trung bình 71,4%/năm; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 23%/năm. Đối với ngành công nghiệp-xây dựng, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn này cũng đạt 53%/năm; ngành nông nghiệp là 4,2%/năm. Về thương mại dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân hàng năm 14,5%. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật giao thông, hệ thống điện, nước nơi đây cũng ngày một được đầu tư hoàn thiện…

Mặc dù có nhiều lợi thế như vậy, song theo đánh giá của Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), KKTCK Quốc tế Lệ Thanh vẫn chưa phát triển tương xứng với điều kiện, tiềm năng hiện có; chưa khai thác hết các thế mạnh trong hoạt động thương mại xuyên biên giới; tăng trưởng chưa bền vững. Cụ thể, giai đoạn 2011-2016, tốc độ tăng trưởng của KKTCK Quốc tế Lệ Thanh chỉ đạt 10,9%/năm; tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt khoảng 300 tỷ đồng, tốc độ tăng vốn bình quân hàng năm là 13%. Nguồn vốn tập trung cho phát triển chủ yếu từ ngân sách nhà nước, tuy có thu hút được một số dự án đầu tư nhưng quy mô còn nhỏ, chưa có dự án mang vai trò động lực...

Để xây dựng và phát triển KKTCK Quốc tế Lệ Thanh trở thành một đô thị biên giới là cả một quá trình lâu dài và đầy thách thức. Bởi lẽ, hiện nay, nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn vốn, trình độ lao động còn thấp, kết cấu hạ tầng còn yếu và thiếu. Hơn nữa, khu vực biên giới 2 nước Việt Nam-Campuchia vẫn chưa hình thành các trung tâm kinh tế đủ sức hút và là điểm tựa cho phát triển kinh tế cửa khẩu. Trong buổi làm việc gần đây với Ban Quản lý KKTCK Quốc tế Lệ Thanh, ông Lê Anh Đức-Phó Trưởng ban Phát triển vùng (Viện Chiến lược Phát triển) cho biết, bên cạnh việc xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, nâng cao trình độ quản lý, công nghệ sản xuất thì KKTCK cần nhanh chóng hình thành các khu sản xuất công nghiệp, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật thương mại-tài chính…

Theo Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội KKTCK Quốc tế Lệ Thanh đến năm 2030 do Trung tâm Tư vấn Phát triển và Đào tạo (Viện Chiến lược Phát triển) xây dựng, một số mục tiêu mà KKTCK hướng đến trong giai đoạn 2026-2030 là: tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 11%; đóng góp cho tỉnh 7,5% giá trị tăng thêm; chiếm 30-32% kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh; chiếm 7-8% thu ngân sách tỉnh; tạo việc làm cho 700-800 lao động; đạt tỷ lệ che phủ trên 50% diện tích tự nhiên; hoàn thành hệ thống thoát nước thải, nước mưa các khu trung tâm và đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý rác thải; quản lý và xử lý 100% chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế và chất thải sinh hoạt…

Nằm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã hợp đồng với Trung tâm Tư vấn Phát triển và Đào tạo (Viện Chiến lược Phát triển) xây dựng Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội KKTCK Quốc tế Lệ Thanh đến năm 2030. Tại buổi thẩm định dự án mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: Đơn vị tư vấn cần xem xét lại phạm vi quy hoạch; phải có sự so sánh KKTCK Quốc tế Lệ Thanh với các khu kinh tế khác có đặc điểm tương đồng. Đồng thời, trong quy hoạch phải tính đến các định hướng phát triển của vùng lõi, vùng ven; xem xét lại ưu-nhược điểm, chính sách của KKTCK...

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm