Kinh tế

Khu Kinh tế Lệ Thanh tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, giao thông đi lại thuận lợi, hoạt động buôn bán, giao thương với các tỉnh bạn diễn ra sôi nổi, cùng với các cơ chế chính sách hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp hoạt động mà tỉnh thực hiện đã và đang thúc đẩy kinh tế khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh phát triển mạnh mẽ.

Thu hút nhiều dự án đầu tư mới

 

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: H.D
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: H.D

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, từ đầu năm đến nay, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thu hút được 4 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 334,6 tỷ đồng, gồm: dự án trụ sở làm việc và kinh doanh nông sản với vốn đầu tư 5,2 tỷ đồng của Công ty TNHH Mai Nguyễn Gia Lai; dự án trụ sở làm việc và khu kinh doanh nông sản với vốn đầu tư 3,3 tỷ đồng do Công ty TNHH Thương mại Duy Anh Gia Lai thực hiện; dự án xây dựng kho ngoại quan với vốn đầu tư hơn 25,27 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên Đại Phong Gia Lai và dự án Nhà máy Sản xuất Dầu thực vật của Công ty cổ phần Thủy Cường VTC với vốn đầu tư 300,88 tỷ đồng.

Riêng về dự án Nhà máy Sản xuất Dầu thực vật Thủy Cường VTC, ông Phạm Văn Binh-Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, lạc quan: “Đây là dự án lớn, khi triển khai sẽ giúp Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh khởi sắc rất nhiều. Cửa khẩu lâu nay hầu như chỉ có hoạt động mua bán thương mại, không có nhà máy sản xuất nào. Khi nhà máy được triển khai xây dựng sẽ tạo việc làm cho trên 300 lao động và góp phần tạo nên khu thị tứ ở biên giới. Nhà máy cũng sẽ thu mua nguồn nguyên liệu trong khu vực và nguồn nhập khẩu từ nước bạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang kinh doanh mặt hàng này tại cửa khẩu, đồng thời góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước”. Được biết, Nhà máy Sản xuất Dầu thực vật Thủy Cường VTC có diện tích khoảng 40.600 m2, chuyên sản xuất dầu thực vật từ hạt điều và đậu nành, dự kiến sẽ triển khai xây dựng vào tháng 8-2018.

Thông qua chính sách kêu gọi thu hút đầu tư, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển mở rộng kho bãi, thu mua nông sản xuất khẩu trực tiếp. Tính tới thời điểm này, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã có 20 nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư 27 dự án, trong đó, 10 dự án đã đi vào hoạt động, 10 dự án đang xây dựng và 7 dự án đang làm thủ tục thuê đất. Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 804,3 tỷ đồng. Sự có mặt của các doanh nghiệp đã và đang góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ tại đây sôi động hơn nhiều so với trước đây.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

 

Công tác cải cách hành chính tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được đẩy mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: H.D
Công tác cải cách hành chính tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được đẩy mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: H.D

Ông Phạm Văn Binh cho biết: “Nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt về thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, các sở, ngành và đơn vị có liên quan (bao gồm cả Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh) đã triển khai thực hiện rất nghiêm túc, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, hoạt động thương mại biên giới đã sôi động và phát triển hơn nhiều so với trước đây”.
Sự sôi động của Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thể hiện ở việc nhiều doanh nghiệp lớn đã về đây đầu tư kho bãi và thực hiện mua bán nông sản của 2 tỉnh Gia Lai và Ratanakiri (Campuchia). Hàng hóa về ngày càng nhiều và thuận lợi khi các thủ tục xuất nhập khẩu và các chi phí giảm hơn 50%. Trước đây, hàng hóa nhập về sau khi hoàn tất các thủ tục tại cửa khẩu, các doanh nghiệp phải qua nhiều trung gian để đưa xuống Quy Nhơn tiêu thụ thì nay, nông sản đã có thể bán trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu đặt ngay tại cửa khẩu, do đó đã hạn chế tối đa tình trạng ép giá.

Đặc biệt, các đơn vị chức năng tại khu vực cửa khẩu luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển. Trong một cuộc đối thoại doanh nghiệp, bà Võ Thị Thụ-Phó Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (269 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) đã đánh giá rất cao tinh thần làm việc tích cực, liên tục, kịp thời của các lực lượng tại đây: “Dù đã hết giờ nhưng Hải quan và các đơn vị khác vẫn tạo điều kiện cho hàng hóa được làm thủ tục để qua cửa khẩu. Nếu hàng hóa không được vận chuyển kịp thời sẽ bị hư hỏng, hao hụt. Sự nhanh chóng, thuận lợi trong làm thủ tục như vậy tạo điều kiện cho doanh nghiệp rất nhiều”.

Có thể thấy, hoạt động kinh tế khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, giao thương ngày càng sôi động. Thương mại phát triển kéo theo nhu cầu các dịch vụ cũng tăng theo như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống… Tin rằng với đà phát triển như hiện nay, chắc chắn mục tiêu xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trở thành thị tứ, thị trấn sẽ sớm hoàn thành.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm