Tây Nguyên được coi là trung tâm thủy điện lớn nhất cả nước. Trên các hệ thống sông chính của 5 tỉnh trong khu vực đã có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành, 360 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang được quy hoạch và xây dựng. Sau khi đi vào hoạt động, các nhà máy có tổng công suất 4.500 MW. Tuy nhiên, việc phát triển các nhà máy thủy điện một cách ồ ạt, chưa được tính toán chặt chẽ đã gây ra những tác động tiêu cực đến vấn đề môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Công trình thủy điện Plei Krông (tỉnh Kon Tum) được khởi công vào ngày 23-1-2003, có 2 tổ máy với công suất lắp đặt 100 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 417,2 triệu kWh. Thủy điện Plei Krông sau khi hoàn thành vào đầu năm 2010 đã làm cho trên 4.000 ha đất sản xuất và đất ở bị ngập, gần 1.400 hộ với trên 6.000 người buộc phải di dời. Theo Ban Quản lý dự án Thủy điện 4, thời gian qua, Ban Quản lý đã có nhiều cố gắng trong công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, các hạng mục thiết yếu để đảm bảo phục vụ đời sống nhân dân vùng tái định cư. Tuy nhiên, đến nay việc bố trí tái định canh, định cư cho người dân vùng lòng hồ vẫn còn quá nhiều điều phải bàn.
Ảnh: Đức Thụy |
Còn tại công trình thủy điện Đồng Nai 3 sau một thời gian dài đo đếm, quy hoạch, năm 1991, hơn 500 hộ với khoảng 5.000 nhân khẩu ở xã Đak P’Lao, huyện Đak Glong (tỉnh Đak Nông) được Ban Quản lý dự án Thủy điện 6 thông báo nơi đây sẽ được quy hoạch để xây dựng tránh ngập lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3. Là một xã đặc biệt khó khăn, hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số nhưng trong suốt gần 20 năm qua, người dân đã không được hưởng bất kỳ một ưu đãi nào của Nhà nước. Điện, đường, trường, trạm… tất cả đều phải gác lại để chờ ngày về khu tái định cư mới.
Sạt lở khu tái định cư. Ảnh: Đức Trung |
Để nhường chỗ cho những công trình thủy điện, tại khu vực Tây Nguyên đã có hàng ngàn người dân buộc phải di dời đi nơi khác. Những hy sinh đó phải được công nhận nhưng vì sức ép “thành tích” hay vì một lý do nào đó mà chính quyền một số địa phương đã thiếu quan tâm tới nguyện vọng của người dân.
Từ năm 1995 đến nay đã có trên 200 thôn, buôn ở khu vực Tây Nguyên bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi. Tổng số diện tích đất bị thu hồi để xây dựng thủy điện là 30.000 ha và khoảng 12.000 hộ gia đình phải di dời hoặc nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. |
Tại công trình thủy điện An Khê- Ka Nak (Gia Lai), do Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 không làm tốt khâu đền bù, tái định cư cho người dân vùng lòng hồ nên mặc dù đã chặn dòng (ngày 13-9), song nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đến nay vẫn chưa có đầy đủ đất sản xuất. Nguy cơ thiếu đói mùa giáp hạt trong vụ Đông Xuân tới là điều thấy rõ. Điều hệ lụy là với việc không chủ động trong công tác đền bù, tái định cư của chủ đầu tư, đến nay công trình thủy điện An Khê- Ka Nak đã chậm tiến độ khoảng một năm rưỡi.
Đức Trung- Văn Thành