Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Đây là 1 trong 5 nội dung lớn, quan trọng đã được Hội nghị Trung ương 6 vừa qua thảo luận, thống nhất việc ban hành nghị quyết.
Với công tác cán bộ, Nghị quyết số 28-NQ/TW nêu rõ: Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm… Nghị quyết số 28-NQ/TW một lần nữa khẳng định việc kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập.
Ngày 8-9, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 20-TB/TW của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Thông báo 20 nêu rõ: “Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”. Trước đó, ngày 6-7, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Theo đó, kỷ luật tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước với đảng viên đang bị tổ chức đảng xem xét xử lý kỷ luật.
Cùng nhiều nghị quyết, quy định, chỉ thị khác, Nghị quyết số 28-NQ/TW là sự hoàn thiện, tiếp tục đổi mới, nâng cao phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đặc biệt là với công tác cán bộ hiện nay.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt là lần đầu tiên, tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đối với 3 Ủy viên Trung ương Đảng theo nguyện vọng cá nhân. Cùng với đó, các địa phương đã miễn nhiệm 1 chủ tịch HĐND tỉnh, 2 chủ tịch UBND tỉnh theo các quy định về miễn nhiệm, từ chức, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Các quy trình, quy định về công tác cán bộ của Đảng, nhất là vấn đề xử lý kỷ luật, đang được hoàn thiện, chặt chẽ và công khai, minh bạch. Cán bộ đã bị kỷ luật sẽ cho thay thế ngay; đồng thời khi có khuyết điểm, cũng được khuyến khích từ chức, không chờ hết nhiệm kỳ.
Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được xem là quan trọng hàng đầu trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII. Trong nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đó, công tác cán bộ được xem là “then chốt của then chốt”. Khi công tác cán bộ được thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định thì sự đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng sẽ hiệu quả, đầy đủ, toàn diện. Cùng với đó là việc tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Tất cả đều phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, không chờ đến hết nhiệm kỳ.
Theo TRẦN LƯU (SGGPO)