(GLO)- Những năm gần đây, số ý tưởng, dự án khởi nghiệp trên lĩnh vực du lịch của tỉnh còn khá khiêm tốn, lại khó đi vào thực tiễn. Việc khuyến khích thanh niên khởi nghiệp du lịch, khai thác tài nguyên sẵn có tại địa phương để mang lại giá trị thực sự cho “ngành công nghiệp không khói” và cộng đồng là điều cần thiết và là hướng đi rộng mở.
Ý tưởng khó triển khai trong thực tế
Năm 2018, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi tìm kiếm sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp trên lĩnh vực du lịch. Cuộc thi đã nhận được 16 sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp. Trong đó, 3 ý tưởng được ban tổ chức trao giải nhất, nhì, ba gồm: Tour du lịch “Đường dẫn tới khung thành”-khai thác thế mạnh từ Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG kết hợp thể thao và du lịch; “Xây dựng làng văn hóa-du lịch cộng đồng tại làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku”-khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng dựa trên các giá trị văn hóa bản địa; Xây dựng chiến dịch “Ơ này Gia Lai”-ý tưởng kể chuyện Gia Lai (storytelling) như công cụ đắc lực trong xây dựng thương hiệu, từ đó tiếp thị, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương một cách rộng rãi. Lý do các ý tưởng này được chọn vì có giá trị thực tiễn, sử dụng cho mục đích phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, cho đến nay, các ý tưởng phát triển du lịch vẫn chưa phát huy giá trị như kỳ vọng.
Ý tưởng phát triển du lịch cộng đồng tại làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vẫn chưa phát huy giá trị như kỳ vọng. Ảnh: ĐỨC THỤY |
“Đường đến khung thành” được đánh giá là ý tưởng mới, độc đáo khi kết hợp giữa thể thao với du lịch để xây dựng sản phẩm khác biệt so với các tỉnh trong khu vực có sự tương đồng về văn hóa. Thế nhưng, cho đến nay, ý tưởng vẫn giậm chân tại chỗ. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho hay: “Sở đã làm việc với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai nhưng vẫn chưa thống nhất được phương án thích hợp. Công ty vẫn đặt ưu tiên phát triển bóng đá lên hàng đầu. Dự án du lịch cộng đồng làng Ốp cũng khó khả thi vì hiện nay quy hoạch rất lộn xộn. Chúng tôi đã mời một số chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành về khảo sát, góp ý để có sự nhìn nhận, đánh giá toàn diện trước khi bắt tay thực hiện. Tuy nhiên, ý kiến chung là cần quy hoạch lại làng một cách bài bản, mà điều này thì không dễ dàng. Riêng ý tưởng “Ơ này Gia Lai” đã có một số địa phương tham gia để quảng bá hình ảnh nhưng vẫn chưa tạo được sức bật”.
Tìm kiếm những dự án khởi nghiệp du lịch mới
Ngoài những dự án nói trên, toàn tỉnh có rất ít ý tưởng, sáng kiến khởi nghiệp du lịch. Năm 2018, lần đầu tiên tỉnh ta triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” và đã nhận được trên 200 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ. Tuy nhiên, ý tưởng khởi nghiệp du lịch gần như vắng bóng. Cả 2 ý tưởng xuất sắc được nhận hỗ trợ 50 triệu đồng/ý tưởng là “Dệt thổ cẩm kèm theo dịch vụ ẩm thực truyền thống của người Jrai”, “Cửa hàng dệt thổ cẩm và mua bán hàng thổ cẩm, đan lát” đều chú trọng khai thác các giá trị văn hóa bản địa trong phát triển kinh tế-xã hội và du lịch. Nhưng du lịch chỉ là yếu tố phụ, ý tưởng chưa rõ ràng.
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức gặp mặt các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, lữ hành nhằm bàn biện pháp kích cầu du lịch. Ảnh: H.N |
Ở cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” do Tỉnh Đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tổ chức hàng năm, ý tưởng khởi nghiệp du lịch của thanh niên cũng rất hiếm hoi so với các lĩnh vực khác. Qua 3 năm tổ chức, đáng chú ý nhất có thể kể đến dự án “Phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm gắn với du lịch cộng đồng” của anh Thái Giang Nam-Phó Bí thư Thành Đoàn Pleiku giành giải nhì tại cuộc thi năm 2018. Đây là dự án dựa trên các giá trị văn hóa và tài nguyên thiên nhiên rộng mở của vùng đất để phát triển du lịch, vừa thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ trong bảo vệ tài nguyên du lịch địa phương. Anh Thái Giang Nam chia sẻ: “Ý tưởng này nhằm tập hợp những bạn trẻ từng tổ chức các tour du lịch trải nghiệm cho du khách, từng dấn thân vào những tour du lịch mạo hiểm, có người đang kinh doanh loại hình homestay, farmstay. Họ đã có kinh nghiệm đối với hình thức du lịch này. Tuy nhiên, lâu nay, các bạn vẫn chỉ làm đơn lẻ, chưa có sự liên kết. Tôi mong muốn tập hợp những bạn trẻ có chung ý tưởng để xây dựng cộng đồng du lịch bền vững tại địa phương. Phía Thành Đoàn cũng sẽ làm cầu nối để kết nối những bạn trẻ có sáng kiến thực tế, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp du lịch ngay trên mảnh đất mình sinh sống”.
Anh Nam cho biết thêm, kinh phí vẫn là khó khăn đối với những bạn trẻ bắt tay khởi nghiệp, nhưng không phải là yếu tố quyết định. “Yếu tố quyết định thành công là tri thức bản địa, kiến thức, kỹ năng của người làm du lịch. Đó phải là người hiểu rõ vùng đất mình đang sống, khai thác thế mạnh nào cho phù hợp với thị hiếu của du khách. Vì kinh phí ít nên chúng tôi làm từ từ, từng bước, thử nghiệm những tour mạo hiểm trước khi hình thành nên những tour trải nghiệm hoàn chỉnh”.
Khởi nghiệp du lịch bền vững là cơ hội để thanh niên phát triển kinh doanh, vừa khai thác, vừa bảo vệ tài nguyên du lịch địa phương. Ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết: “Trong năm 2020, ngành du lịch sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi cho học sinh trung học toàn tỉnh làm những video clip quảng bá du lịch địa phương. Chúng tôi sẽ trao giải cho những clip được yêu thích nhất, được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội. Đây sẽ là hình thức khuyến khích các bạn trẻ làm quen với cách làm du lịch, bắt đầu từ công tác truyền thông, quảng bá, vừa giúp ngành du lịch có thể quảng bá hình ảnh từ làng ra thế giới thông qua báo chí, mạng xã hội”. Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thông tin thêm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cho UBND tỉnh hình thành đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp. Ngành du lịch sẽ theo sát đề án này, cố gắng kết nối các doanh nghiệp du lịch với đề án để tìm kiếm những dự án khởi nghiệp du lịch mới.
MINH CHÂU