Xã hội

Khuyến khích nghỉ hưu sớm: Cần thêm chính sách mang tính đột phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích người lao động nói chung, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành còn chưa thống nhất, ở nhiều nơi, dù đưa ra mức hỗ trợ cao nhưng tỉ lệ nghỉ hưu sớm còn thấp. Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 118/NQ-CP mới ban hành, Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích cho công chức, viên chức nghỉ hưu sớm.

Minh họa của ĐAN
Minh họa của ĐAN



Mỗi nơi một kiểu

Để khuyến khích công chức viên chức không thuộc diện tinh giản biên chế nhưng cần nghỉ hưu trước tuổi để “nhường ghế” cho lớp trẻ thì mỗi địa phương đưa ra những giải pháp khác nhau.

Điển hình là Đà Nẵng chi tiền tỉ cho cán bộ nghỉ việc trước tuổi. Tính đến tháng 9.2020, nhiều trường hợp, trong đó có những người là Thành uỷ viên, Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận… tại Đà Nẵng đã được có đơn xin nghỉ việc trước tuổi khi họ không đủ tuổi tái cử hoặc không đảm bảo sức khoẻ. Điều này tạo thuận lợi cho công tác cán bộ của kỳ Đại hội Đảng thành phố sắp tới, cũng như mở ra những “tiền lệ” tốt trong tinh thần sẵn sàng “nhường ghế” cho lớp trẻ.

Ông Thái Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng - cho biết, hiện Đà Nẵng đã giải quyết cho 36 trường hợp người xin nghỉ việc trước tuổi. Trong đó có 14 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quản lý, 3 trường hợp Thành ủy viên xin nghỉ trước tuổi gồm ông Phạm Nhật Phi, Bí thư Đảng ủy Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, ông Cao Xuân Thắng - Bí thư Quận ủy Sơn Trà và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Đà Nẵng. Tất cả những trường hợp trên được Đà Nẵng giải quyết chế độ theo Nghị định 26 năm 2015 của Chính phủ và Hướng dẫn 27 của Ban Tổ chức Trung ương,

“Cả 36 trường hợp đều đã được giải quyết nghỉ việc trước tuổi theo nguyện vọng cá nhân trong tháng 8 vừa qua. Đây là những trường hợp không đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ sau. Họ còn thời gian công tác khoảng 6 tháng đến 2 năm, nhưng có nguyện vọng cá nhân nghỉ sớm nên tổ chức đã giải quyết theo quy định là nghỉ trước Đại hội 3 tháng. Có những trường hợp nghỉ để sắp xếp công tác cán bộ” - ông Tuấn cho hay.

Bên cạnh những chính sách của Chính phủ hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, riêng tại Đà Nẵng, cán bộ nghỉ hưu theo diện này còn được hỗ trợ một khoản tiền của thành phố.

Cụ thể, tháng 12.2019, HĐND Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung về quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ xin thôi làm nhiệm vụ và công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc.

Với Nghị quyết này, ngoài các chế độ chính sách chung, thành phố cũng quyết định hỗ trợ theo từng trường hợp xin nghỉ trước tuổi. Trong đó, cán bộ là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trở lên và các chức danh tương đương khác được hỗ trợ thêm 200 triệu đồng/trường hợp. Cán bộ là Thành ủy viên; người đứng đầu các hội tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy và tương đương; các sở, ban, ngành và tương đương; Bí thư các quận, huyện ủy, các đảng ủy khối trực thuộc Thành ủy và các chức danh tương đương khác được hỗ trợ thêm 180 triệu đồng... Thấp nhất là cấp trưởng phòng được hỗ trợ thêm từ 100 - 120 triệu đồng tùy theo chức danh lãnh đạo.

Chính vì vậy, không riêng gì các cán bộ không đủ tuổi tái cử cấp uỷ nhiệm kỳ sau mà 2 năm qua, từ lúc triển khai Nghị quyết, nhiều cán bộ viên chức Đà Nẵng tại các cơ quan, UBND các quận huyện đã tự nguyện xin nghỉ trước tuổi để được hưởng chính sách.

Tại một địa phương khác, hồi đầu năm 2020, tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có câu chuyện gây xôn xao khi Bí thư Đảng ủy xã Tiên Điền xin nghỉ việc để nhường ghế cho người khác, bù lại, ông được hỗ trợ 760 triệu đồng trong thời gian mất việc chờ hưu.

Đó là ông Phạm Đức Trung - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Điền (nay là thị trấn Tiên Điền). Ông Trung năm nay trước khi nghỉ việc, ông đã có 31 năm công tác, nếu như không xin nghỉ thì tổ chức cũng đã tính để ông tiếp tục làm Bí thư thị trấn Tiên Điền. “Tôi ở lại thì vẫn đủ điều kiện, khả năng, năng lực làm việc nhưng mất đi cơ hội của người khác, mà họ cũng được đào tạo và còn trẻ nên có điều kiện để cống hiến” - ông Trung chia sẻ. Việc ông Trung được hưởng số tiền 760 triệu để nghỉ việc là căn cứ Nghị định 108, 113, theo Nghị quyết HĐND tỉnh, Nghị quyết HĐND huyện.

Thế nhưng không phải nơi nào cũng suôn sẻ, tại TPHCM, mặc dù đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu nhưng tỉ lệ còn thấp.

Cuối năm 2017, HĐND TPHCM đã thông qua tờ trình của UBND TPHCM về chấp nhận chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 năm 2014 về chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, dự kiến đến năm 2021, UBND TPHCM sẽ bố trí khoảng 380 tỉ đồng để động viên 1.062 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo quá trình tinh giản biên chế.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Duy Tân - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, trong 3 năm qua, mặc dù TPHCM tạo điều kiện thông thoáng, có một khoản hỗ trợ để khuyến khích những người tự đánh giá mình không đạt được yêu cầu công việc nghỉ hưu sớm, tạo cơ hội cho lớp trẻ nhưng số lượng người tự nguyện nghỉ rất ít. Ông Tân nhìn nhận, trong quá trình thực hiện, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến tỉ lệ tinh giản biên chế còn thấp.

Cũng theo ông Tân, vừa qua Sở Nội vụ đã trao đổi, hướng dẫn các quận, huyện triển khai thực hiện giảm gần 2.300 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp phường. TPHCM chi trả chế độ trợ cấp cho việc này vào khoảng 120 tỉ đồng và việc tinh giản này sẽ hoàn thành cuối năm 2020.

Phải có chính sách mang tính đột phá

Trao đổi với Lao Động ngày 11.9, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho biết, để khuyến khích cán bộ công chức, viên chức nghỉ hưu sớm thì cần có chính sách giúp họ hưởng tối đa lương hưu, có khoản kinh phí phù hợp khi họ nghỉ hưu sớm.

“Tôi nghĩ rằng Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu và triển khai theo hướng đó. Tuy nhiên đối với công chức và viên chức thì cần rà soát đánh giá người nghỉ hưu sớm thuộc đối tượng nào, với những người đang làm tốt thì nên được giữ lại tiếp tục công tác. Vì nếu những người giỏi xin về hưu sớm, được hưởng chế độ chính sách và đi làm bên ngoài cũng rất lãng phí, chất xám sẽ chảy sang khu vực tư nhân nhiều hơn là khu vực công”.

Ông Dĩnh cho biết, nếu muốn xây dựng được chính sách khuyến khích cho công chức, viên chức nghỉ hưu sớm, việc trước hết cần làm là phải rà soát được số biên chế cụ thể của từng cơ quan, đơn vị.

Theo ông Dĩnh, với chủ trương xây dựng cơ chế khuyến khích người nghỉ hưu sớm, Bộ Nội vụ cần phải có đánh giá rất kỹ lưỡng, phải đưa ra được mô hình vị trí việc làm phù hợp, ứng với đó là số lượng biên chế rất cụ thể cho từng vị trí, từng công việc. Chỉ khi làm được như vậy, chính sách khuyến khích nghỉ hưu sớm mới hiệu quả.

Khuyến khích công chức về hưu sớm không có nghĩa là khuyến khích những người sắp đến tuổi nghỉ hưu thì nghỉ hưu trước tuổi. Việc này phải đánh giá rất thận trọng nếu không sẽ lặp lại vòng luẩn quẩn cũ, khuyến khích người nghỉ song lại tuyển thêm vào, như vậy, ngân sách vừa mất tiền xử lý cơ chế cho người nghỉ hưu sớm mà vấn đề tinh giản cũng không giải quyết được.

Còn ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, tiền lương khi nghỉ hưu luôn là mối quan tâm hàng đầu của công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là những người có ý định nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, ông Hòa cho biết, việc tìm cho đúng đối tượng để tinh giản biên chế, khuyến khích về hưu sớm thật sự khó. Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho biết, hiện nay có nhiều người muốn nghỉ sớm, tạo cơ hội cho lớp trẻ nhưng mà thấy điều kiện thu nhập, điều kiện về hưu còn khó khăn quá, lại đắn đo, rồi bám trụ lại. Bởi nhiều người sẽ so sánh những chế độ khi đi làm và những chế độ khi nghỉ hưu sớm chưa có sự tương xứng nên sẽ băn khoăn.

“Tôi nghĩ rằng đề xuất khuyến khích cho công chức, viên chức nghỉ hưu sớm là rất cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên từ thực tế hiện nay cho thấy cần có thêm chính sách, tạo điều kiện, có một khoản hỗ trợ để khuyến khích mọi người tự đánh giá bản thân, dễ dàng đưa ra quyết định của mình. Nếu cán bộ chưa đủ tuổi, muốn nghỉ hưu mà trừ nhiều % bảo hiểm thì nó sẽ là rào cản rất lớn cho chế độ chính sách này” - ông Hòa cho hay.

Theo đề xuất của ông Hòa, ngoài quy định chính của Chính phủ, muốn khuyến khích cho công chức, viên chức nghỉ hưu sớm mỗi địa phương cần có một khoản chế độ đặc thù hơn, có khoản ngân sách riêng để chi ra trợ cấp thêm. Do đó, cần phải xem xét thật chu đáo, chi tiết, hợp lý để khi nghỉ hưu sớm họ nhận được một khoản kinh phí tương đối, ngoài tiền nghỉ hưu. Lúc này, những cán bộ công chức và viên chức đó sẽ dùng chính khoản tiền này làm công việc bên ngoài, có thu nhập thêm để duy trì cuộc sống.

 


Gần 100 cán bộ Hà Nội không đủ điều kiện tái cử cấp ủy

Thành ủy Hà Nội ngày 11.9 cho biết vừa tổ chức hội nghị gặp mặt các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý không đủ điều kiện về tuổi để tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026. Nhiều cán bộ với tinh thần trách nhiệm cao đã phát huy vai trò gương mẫu, tự nguyện nghỉ sớm, tạo điều kiện sắp xếp bố trí cán bộ thay thế. Báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, có 97 đồng chí thuộc diện không đủ điều kiện về tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026. Căn cứ vào các quy định hiện hành và độ tuổi, 12 đồng chí đã nghỉ hưu và sẽ nghỉ công tác trước Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; 85 đồng chí không đủ điều kiện về tuổi tái cử (63 đồng chí có thời gian công tác dưới 24 tháng; 22 đồng chí có thời gian công tác trên 24 tháng). Trước đó, vào đầu tháng 1.2019, Hà Nội đã chi trả hơn 700 triệu đồng cho 12 cán bộ nghỉ hưu trước tuổi.

TR.X

Ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Khó khuyến khích nếu không có chế độ phù hợp

Nếu không có chế độ phù hợp khi nghỉ hưu sớm thì rất khó để khuyến khích mọi người cùng hưởng ứng. Bộ Nội vụ làm tham mưu cho Chính phủ cần xem xét những chính sách hiện hành, điều gì khó khăn khiến công chức, viên chức chưa mặn mà thì cần phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khuyến khích cho họ nghỉ hưu trước tuổi. Từ đó nhường các vị trí việc làm cho những cán bộ trẻ, có năng lực, có tâm, có tầm, có quyết tâm và có trách nhiệm để đảm đương nhiệm vụ. Số tiền tiết kiệm được cho ngân sách từ việc trả lương cho những vị trí nghỉ hưu trước tuổi sẽ lớn hơn số tiền bỏ ra để hỗ trợ, khuyến khích.


 

Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Cần công bố rộng rãi các thủ tục

Để chính sách khuyến khích cán bộ về hưu trước tuổi được nhiều cán bộ hưởng ứng, Nhà nước cần công bố rộng rãi về các thủ tục, đơn đề xuất, trình tự và quy định… Tuy nhiên, điều này phải thực hiện trên cơ sở, sự sắp xếp của các cơ quan và đơn vị khi dôi dư.


 

Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng

Chính sách này của Đà Nẵng không chỉ thể hiện quyết tâm của chính quyền Thành phố Đà Nẵng trong việc đổi mới công tác cán bộ nhằm tạo điều kiện trẻ hóa đội ngũ, dự thảo lần này còn thu hẹp đối tượng vào nhóm lãnh đạo, quản lý và đây không chỉ tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi mà còn là tự nguyện thôi việc trước tuổi.

Thuỳ Trang- Phạm Đông (ghi)

https://laodong.vn/thoi-su/khuyen-khich-nghi-huu-som-can-them-chinh-sach-mang-tinh-dot-pha-835729.ldo


Theo Thuỳ Trang - Phạm Đông - Văn Quân (LĐO)

Có thể bạn quan tâm