Kinh tế

Giá cả thị trường

Kích cầu nội địa: Nâng cao chất lượng hàng hóa dân mới chịu "mở hầu bao"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Nhiều hội chợ và các chương trình khuyến mại đang được thực hiện để kích cầu tiêu dùng nội địa. Ảnh: Khánh Vũ
Các doanh nghiệp đang hướng vào thị trường nội địa, nhưng tại thời điểm này, người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Cần làm gì để khuyến kích tiêu dùng trong nước?
Khơi thông thị trường
Theo Tổng cục Thống kê, có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh. Đáng chú ý, trong các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, có tới 47,2% doanh nghiệp khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho rằng, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của đại bộ phận doanh nghiệp hiện nay, bởi hiện tại, thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn. Chính vì vậy, khơi thông thị trường nội địa với gần 100 triệu dân đang là giải pháp tối ưu hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất khẩu, du lịch… thời kỳ hậu COVID-19 và những tháng cuối năm, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa đã được các tỉnh, thành phố triển khai liên tục sau giai đoạn hết giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Trong đó, Hà Nội và TPHCM là hai địa phương đầu tiên triển khai chương trình kích cầu nội địa thông qua hàng loạt chương trình: “60 ngày vàng khuyến mại trên địa bàn TPHCM” đã triển khai từ ngày 1.6 và sẽ kéo dài  đến ngày 30.7.2020.
Chương trình khuyến mại tập trung TP.Hà Nội năm 2020 diễn ra vào tháng 6, 7 và tháng 11 với chủ đề “60 ngày vàng – rộn ràng mua sắm” với chuỗi sự kiện như: "Tuần hàng Việt", "Ngày vàng khuyến mại", Phiên chợ Việt", hội chợ "Mỗi xã một sản phẩm"...
Theo bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong tháng 7.2020, chương trình sẽ tiếp tục kết hợp hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Trong đó, nổi bật là “Tuần doanh nghiệp tri ân người tiêu dùng” với 100 điểm bán hàng giảm giá, khuyến mại. Nhiều hệ thống siêu thị triển khai chương trình giảm giá 30%-70%...
Nâng tầm chất lượng hàng Việt Nam
Để khuyến khích tiêu dùng hàng Việt, tại một số siêu thị như Big C, Co.op Mart, VinMart…,  90% hàng hóa đều là hàng Việt Nam. Hàng Việt được ưu tiên trưng bày tại các vị trí thuận lợi, dễ thấy; giá cả được niêm yết công khai; nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá được thực hiện đã thu hút khách hàng quan tâm nhiều hơn tới hàng sản xuất trong nước.
 
Nâng cao chất lượng hàng Việt là giải pháp tốt nhất để kích thích tiêu dùng. Ảnh: Vũ Long
Để khuyến khích tiêu dùng, UBND tỉnh Quảng Bình đã tăng cường hỗ trợ để các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng đặc trưng địa phương, sản phẩm OCOP; Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tuyên truyền, khuyến khích người dân trong tỉnh sử dụng sản phẩm hàng hóa Việt, hàng trong tỉnh. 
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bắc Giang cũng đã có văn bản yêu cầu đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động này và đề nghị  hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; phát triển mạng lưới phân phối, kích cầu hàng nội địa, kích cầu tiêu dùng từ người dân...
VŨ LONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm