Giải trí

Kịch "Khát vọng" đoạt 6 giải thưởng tại nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vở "Khát vọng" do NSƯT Lâm Tùng - Nhà hát Kịch Việt Nam làm đạo diễn, tác giả Tạ Xuyên vừa đoạt một lúc 6 giải thưởng ở nước ngoài.
Theo thông tin từ Nhà hát Kịch Việt Nam, vở “Khát vọng” (Tác giả: Đại tá, nhà văn Tạ Xuyên, đạo diễn: NSƯT Lâm Tùng) tham gia Sân khấu thanh niên La Hồ - Thẩm Quyến ngày 29, 30-11-2017 vừa qua được ban giám khảo đánh giá cao và nhận đươc 6 giải thưởng: Vở diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Thiết kế sân khấu xuất sắc nhất, Diễn viên Ngô Thuận đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất, NSƯT Lâm Tùng đoạt giải nam diễn viên xuất sắc nhất.
 Cảnh trong vở
Cảnh trong vở "Khát vọng".
Truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” được nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết từ 20 năm trước là khởi nguồn cho kịch bản sân khấu “Khát vọng” của cố Đại tá-nhà văn Tạ Xuyên.
Một gia đình chài lưới sống trên chiếc thuyền vì mối hận không được chôn vợ trên đất liền mà ông bố - chủ gia đình đã bắt 4 người con cắt máu thề tuyệt giao với người trên bờ. Nhưng rồi, cuộc sống quẩn quanh trên thuyền khiến các thành viên trong gia đình họ cảm thấy bí bách, tù túng dẫn đến sinh sự với nhau. Cuối cùng, cô con gái út đã quyết định phá bỏ lời nguyền để bước lên bờ…
Mọi câu chuyện và diễn biến xoay quanh chiếc bè mảng, sau này có thể biến hóa thành căn nhà của Thao - người yêu của cô con gái út Giang. Chỉ cần bối cảnh chật hẹp ấy cũng đủ cho khán giả cảm thấy sự bức bối, ngột ngạt của năm con người trên chiếc thuyền bé xíu: Một ông bố bảo thủ, hai vợ chồng người con cả sống trong bi kịch chục năm trời không có mụn con, cậu con trai thứ nhận ra sự bức bối nhưng hèn kém không dám phản kháng, chỉ có cô con gái út lúc nào cũng lấp lánh ước mơ được biết đến thế giới trên bờ.
Sân khấu được tối giản tới mức tối đa.
Sân khấu được tối giản tới mức tối đa.
Sự bảo thủ đẩy con người tới hành vi khó chịu với bản thân và người xung quanh. Bên cạnh âm hưởng bi kịch, “Khát vọng” có những đốm sáng của hy vọng và câu chuyện có hậu, nhân văn hơn. Đó là khi ông bố ngăn cấm không cho các con đưa xác người chết trôi vào bờ thì bản thân ông lén lút một mình trong đêm chôn cất cho người chết vô danh. Đặc biệt cái kết khiến người xem thấy ấm áp hơn.
Đạo diễn khai thác một số cảnh ở sau cánh buồm, chỉ thấy hình ảnh và tiếng diễn viên thoại tăng thêm chiều sâu cho vở diễn. Khát vọng dù chỉ là vở diễn tốt nghiệp và vẫn có thể đào sâu hơn nữa nhưng Lâm Tùng có thành công nhất định được Nhà hát kịch Việt Nam đưa vào kịch mục của Nhà hát. Vai ông bố do NSƯT Trung Anh đảm nhận, giúp vực dậy cả dàn diễn viên trẻ hơn như Minh Hải, Minh Hương, Lâm Cương, Ngô Thuận, Thế Nguyên.
Hà Tùng Long (Dantri)

Có thể bạn quan tâm