Bạn đọc

Kiểm lâm Gia Lai nói gì về việc nổ súng khi vào, ra khỏi rừng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết, đang yêu cầu các thành viên trong đoàn liên ngành viết tường trình và chưa xác định được có hay không nổ súng “trước và sau khi vào rừng”.

Chiều 27-6, P.V đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Vũ Cường-Trưởng phòng Thanh tra, Pháp chế (Chi cục Kiểm Lâm Gia Lai) liên quan đến vụ “Lạ lùng ở Gia Lai: Vào rừng, ra khỏi rừng kiểm lâm đều nổ súng” xảy ra tại xã Đak Krong, huyện Đak Đoa.

Như đã phản ánh, vụ việc đã xảy ra gần 1 năm, người dân và chính quyền địa phương nghi hành động lạ của đoàn liên ngành nhằm mục đích gì. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm ai đã nổ súng, lý do là gì, có hay không việc nổ súng nhằm “báo hiệu” tiếp tay cho lâm tặc đào tẩu và những đối tượng lạ mặt vào nhà dân đe dọa là ai?

Xin ông cho biết sự việc xảy ra tại xã Đak Krong như thế nào? Đoàn kiểm tra liên ngành hôm đó gồm những ai?

- Sau khi nhận được tin báo tại khu vực thuộc BQL (Ban quản lý) Rừng phòng hộ Tây Bắc Đak Đoa có vụ phá rừng, ngày 9-7-2016, Chi cục trưởng đã chỉ đạo đoàn liên ngành đi kiểm tra. Thời điểm trên, đoàn liên ngành phối hợp với tổ bảo vệ rừng của UBND xã Đak Krong gồm 22 người. Sau 3 ngày từ 9-11.7.2016, Đoàn phát hiện tại khoảnh 6, tiểu khu 424A (thuộc BQL rừng phòng hộ Tây Bắc Đak Đoa-địa giới hành chính thuộc xã Đak Sơ Mei) có 34 gốc bị chặt, hiện trường hơn 25 m3 gỗ tròn, xẻ thuộc nhóm III-V.

Tại hiện trường không phát hiện đối tượng nào. Sau khi kiểm tra xác định được số gỗ này đã bị đốn hạ khoảng 1 tháng trước, lá cây khô héo. Sau đó, chúng tôi đã mời cơ quan quản lý thị trường, công an, viện kiểm sát vào hiện trường lập biên bản. Vụ việc đã được khởi tố vụ án.

Khi đoàn đi kiểm tra không có trang bị vũ khí quân dụng, chỉ có trang bị công cụ hỗ trợ là súng bắn đạn cao su.

 
Đại diện Chi cục Kiểm lâm trao đổi với Dân Việt chiều 27-6.


Theo phản ánh của địa phương, trước và sau lúc vào vị trí rừng bị phá, đoàn liên ngành có nổ 2 phát súng. Liệu hành động này có phải tiếp tay, báo hiệu cho lâm tặc bỏ trốn?

- Sau khi báo chí phản ánh, Chi cục đã yêu cầu những anh em Kiểm lâm tham gia vào đoàn kiểm tra giải trình về quá trình hoạt động ngày hôm đó và đang xác minh thêm thông tin, chưa xác định được có nổ súng hay không. Khi có kết quả, Chi cục sẽ có báo cáo gửi cấp trên và có thông tin gửi cho báo chí.

Do chưa xác minh rõ ràng đoàn liên ngành có nổ súng hay không nên chưa thể khẳng định được việc có tiếp tay hay không. Sự việc bắt nguồn từ người đi trong đoàn (tổ bảo vệ rừng-P.V) báo lên xã, rồi xã báo lên huyện và huyện báo lên cấp trên nên cần xác minh thông tin báo ban đầu có đúng hay không.

Theo ông, tiếng nổ của súng đạn cao su có lớn không?

- Tùy theo không gian mà âm thanh to nhỏ khác nhau, thường súng cao su nổ to nhưng âm không xa.

Sau khi đoàn kiểm tra, có 2 đối tượng lạ mặt đến nhà từng thành viên trong tổ bảo vệ rừng của xã đe dọa. Chi cục có xác minh được là ai?

- Kiểm lâm không nắm được vấn đề này.

Vì sao sự việc xảy ra lâu rồi mà đến nay Chi cục vẫn chưa có câu trả lời cho dân rõ?

- Lâu nay chúng tôi không nghe thông tin gì, đến khi báo chí phản ánh mới biết có sự việc.

 

Ông Cường trả lời phỏng vấn Dân Việt.


Theo ông, khi nào lực lượng kiểm lâm được phép nổ súng?

- Theo quy định tại pháp lệnh số 16 ngày 30-6-2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và điều 9 của Nghị định 25 ngày 5-4-2012 của Chính phủ về các vấn đề hướng dẫn, quản lý vũ khí (gồm súng quân dụng hoặc công cụ hỗ trợ) thì phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng. Theo đó, chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.

Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay.

Việc cảnh báo trước khi nổ súng được thể hiện bằng mệnh lệnh qua lời nói hoặc bắn chỉ thiên. Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Theo Danviet

Có thể bạn quan tâm