(GLO)- Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Chư Sê gặp nhiều thuận lợi hơn so với các địa phương trong tỉnh. Vì vậy, việc thu hút nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông-lâm-thủy sản là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực này cũng cần được kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế những vi phạm ảnh hưởng đến cây trồng vật nuôi trên địa bàn.
Toàn huyện có 315 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông-lâm-thủy sản. Phần lớn các cơ sở này được UBND huyện và Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thực hiện Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm tra đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông-lâm-thủy sản; UBND huyện Chư Sê đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cơ sở vật chất; trang-thiết bị; chương trình quản lý chất lượng; tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm… nhằm đánh giá chuẩn xác hơn về chất lượng sản phẩm phục vụ nông dân sản xuất.
Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 86 cơ sở, trong đó 44 cơ sở kinh doanh phân bón; 17 cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; 21 đơn vị kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và 4 cơ sở thuốc thú y. Trong số 86 cơ sở kiểm tra lần này có đến 28 cơ sở đã dừng hoạt động từ lâu.
Vì vậy, không thể đánh giá xếp loại theo quy định. 58 cơ sở đang hoạt động kinh doanh ở các xã và thị trấn có 33 cơ sở được xếp loại A đảm bảo điều kiện kinh doanh tốt; 19 cơ sở xếp loại B đủ điều kiện kinh doanh, nhưng cần khắc phục các lỗi vi phạm nhỏ; 3 cơ sở bị xếp loại C do chưa đáp ứng điều kiện kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, có 3 cơ sở chưa có giấy phép hoạt động kinh doanh nhưng vẫn bày bán sản phẩm vật tư nông nghiệp.
Điều băn khoăn nhất là trong tổng số 44 cơ sở kinh doanh phân bón có đến 22 cơ sở dừng hoạt động do hoạt động kém hiệu quả. Chỉ có 12/ 44 cơ sở đạt từ 5 đến 7 chỉ tiêu trong tổng số 8 chỉ tiêu được kiểm tra xếp loại A. 9/44 cơ sở chỉ đạt từ 3 đến 4 chỉ tiêu xếp loại B. Đặc biệt, cơ sở kinh doanh phân bón của bà Nguyễn Thị Nhưỡng, xã Ia Ko; cơ sở của ông Nghiêm Khắc Tý và Mai Thế Phong, thị trấn Chư Sê kinh doanh thức ăn chăn nuôi dù chưa có giấy phép kinh doanh vật tư nông nghiệp nhưng vẫn bán những sản phẩm này.
Các lỗi vi phạm ở các cơ sở chủ yếu như: phiếu kiểm nghiệm chất lượng phân bón kèm theo lô; chưa có cán bộ đúng chuyên môn; phòng-chống cháy nổ; an toàn lao động; không có kho chứa sản phẩm và tủ trưng bày sản phẩm; không có bảo hộ lao động và dụng cụ xử lý mùi, rác thải và không có bản cam kết bảo vệ môi trường…
Ông Lê Sỹ Quý- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê cho hay: “Kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm nghiệp là rất cần thiết. Đây là biện pháp ngăn chặn những sản phẩm kém chất lượng có thể gây thiệt hại cho nông dân. Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Trước những vi phạm của 3 cơ sở trên, đoàn đã lập biên bản đề nghị UBND huyện giao cơ quan chức năng xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu phải sớm khắc phục vi phạm. Không những vậy, các cơ sở dù được xếp loại A, B nhưng trong thời gian tới vẫn tiếp tục khắc phục những tồn đọng để đáp ứng nhu cầu sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Cũng theo ông Quý, để hoạt động sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp đi vào nền nếp ổn định. Hàng năm cần bố trí nguồn kinh phí để tập huấn, phổ biến các văn bản pháp luật hiện hành đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm sản tránh những trường hợp thiệt hại không đáng có cho nông dân”.
Nguyễn Diệp