Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Kiểm soát thực phẩm "ngậm" hóa chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dư lượng hóa chất trong các sản phẩm rau, thịt... đã trở thành nỗi lo của người tiêu dùng hiện nay. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai lấy mẫu phân tích trong rau và thịt nhằm kiểm soát chặt chẽ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và hóa chất.

Với thế mạnh về phát triển nông nghiệp, ngoài các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su... một số địa phương ở tỉnh ta đã hình thành các vùng chuyên canh rau màu cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất rau đã và đang gây không ít lo lắng cho người tiêu dùng.

Để nâng cao nhận thức cho người sản xuất, thời gian qua, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền ở các vùng chuyên canh rau. Nội dung tập huấn, tuyên truyền là hướng dẫn người sản xuất các biện pháp đảm bảo vệ sinh thực phẩm, không để thuốc BVTV còn tồn dư gây tác hại đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Chi cục cũng tổ chức lấy mẫu thịt heo, gà, thủy sản khô và giò chả để kiểm tra dư lượng hóa chất để có cơ sở xử lý đối với các hành vi vi phạm.
 

Sơ chế, đóng gói sản phẩm rau an toàn tại Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú. Ảnh: N.D
Sơ chế, đóng gói sản phẩm rau an toàn tại Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú. Ảnh: N.D

Theo đó, Chi cục đã thành lập đoàn giám sát lấy mẫu sản phẩm rau, thịt, măng tươi, thủy sản khô, giò chả trên địa bàn các huyện: Chư Sê, Đak Pơ, Đức Cơ, Đak Đoa, thị xã An Khê, Ayun Pa và TP. Pleiku để phân tích dư lượng hóa chất.

Qua phân tích 246 mẫu rau, có 3 mẫu (chiếm 1,2%) vượt giới hạn tối đa cho phép về định lượng các chỉ tiêu thuốc BVTV theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế. Còn trong 30 mẫu măng tươi lấy ngẫu nhiên tại 7 địa phương thì 1 mẫu lấy ở thị xã Ayun Pa có chất Auramine O (chất vàng ô).

Về thịt heo, trong cả 60 mẫu Chi cục lấy đều không phát hiện dư lượng thuốc kháng sinh cấm Chloramphenicol và chỉ có 1 mẫu phát hiện tồn dư kháng sinh Sulfadimidin vượt giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Y tế.

Kết quả kiểm tra 30 mẫu thịt gà cũng không phát hiện dư lượng thuốc kháng sinh Tertracyline. Ngoài ra, Chi cục đã  lấy 25/25 mẫu thủy sản khô để phân tích nhưng không phát hiện dư lượng thuốc BVTV; lấy 32 mẫu giò chả kiểm tra thì phát hiện 17/32 mẫu có chất hàn the.

Mặc dù vẫn còn tình trạng tồn dư thuốc BVTV trên các sản phẩm rau và các loại hóa chất trong măng tươi, thịt heo, thịt gà...nhưng tình hình đã giảm nhiều so với năm 2016.

Kết quả này là nhờ các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương còn hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn phục vụ thị trường.     

Ông Nguyễn Trọng Khải-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đak Đoa, cho biết: Nhằm giúp người dân trên địa bàn tiếp cận sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ, huyện đã xuất ngân sách hỗ trợ giống rau, phân bón, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật cho người dân xã Tân Bình và thị trấn Đak Đoa trồng thử nghiệm 1 ha rau an toàn. Sau khi xuống giống, rau sinh trưởng và phát triển tốt. Các hộ tham gia mô hình đang tích cực chăm sóc và chờ ngày thu hoạch.

Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản: Sau khi có kết quả giám sát tồn dư hóa chất trên nông sản, thực phẩm, Chi cục có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm nông-lâm sản, thủy sản; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nông sản về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; vận động người dân không sử dụng hóa chất, chất hỗ trợ chế biến nằm ngoài danh mục cho  phép trong sơ chế, chế biến thực phẩm.

Đặc biệt, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm sản theo đúng quy định.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm