Chính trị

Kiểm tra, giám sát phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em tại Chư Prông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)-

Sáng 20-4, Đoàn kiểm tra, giám sát do Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Trần Anh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Chư Prông về tình hình thực hiện công tác phòng-chống tai nạn, thương tích và phòng-chống đuối nước trẻ em.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Rơ Lan Viện

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Rơ Lan Viện

Theo báo cáo của UBND huyện Chư Prông, thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; cấp phát 720 tờ rơi tuyên truyền về tai nạn thương tích; tổ chức các lớp tập huấn về phòng-chống tai nạn thương tích, phòng-chống đuối nước; kỹ năng phòng-chống bạo lực xâm hại trẻ, phòng cháy chữa cháy ở trẻ em; tổ chức sinh hoạt hè lồng ghép các hoạt động vui chơi giải trí an toàn cho học sinh; dạy bơi trong nhà trường cho trẻ em...

Tuy nhiên, tình hình trẻ em bị tai nạn, thương tích vẫn còn xảy ra trên địa bàn. Cụ thể, từ năm 2021 đến tháng 4 năm 2023, toàn huyện Chư Prông có 82 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 16 trẻ tử vong do đuối nước, 1 trẻ tử vong do tai nạn giao thông. Nguyên nhân do tại một số địa phương trong huyện có nhiều ao, hồ, khu vực sông suối nhưng chưa có biển cảnh báo, làm rào chắn; các em nhỏ thiếu sự giám sát, quản lý của gia đình; trẻ em hiếu động, thích khám phá nên dễ xảy ra tai nạn…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận làm rõ nguyên nhân thực trạng, đề ra giải pháp và kiến nghị một số nội dung liên quan đến tình hình thực hiện công tác phòng-chống tai nạn, thương tích, phòng-chống đuối nước trẻ em.

Kết luận buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Trần Anh đề nghị huyện Chư Prông sớm kiện toàn Ban chỉ đạo Công tác trẻ em của huyện; công tác báo cáo cần kịp thời để Sở nắm bắt, có hướng hỗ trợ, thăm hỏi, động viên những gia đình có trường hợp tai nạn; rà soát các điểm có nguy cơ cao về tai nạn thương tích trẻ em và phải cắm biển cảnh báo. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ có hồ, ao đào để phục vụ tưới tiêu cho cây trồng cần phải cam kết làm rào chắn để đảm bảo phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em; nhà trường và gia đình giáo dục cho các em nhận biết nguy hiểm và cách phòng, tránh.

Ngoài ra, địa phương cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, cộng đồng, xã hội nâng cao ý thức, trách nhiệm trong chăm sóc, bảo vệ và phòng-chống tai nạn, thương tích, phòng-chống đuối nước trẻ em; tổ chức các hoạt động vui chơi trong dịp hè an toàn cho trẻ…

NHẬT HÀO-RƠ LAN VIỆN

Có thể bạn quan tâm