Tham dự chương trình, về phía Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Đại tá Đinh Văn Thê-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Rơ Châm H’Phik-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh.
Cùng tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện Ia Grai, Đak Đoa.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với UBND tỉnh về tình hình triển khai nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Đ.T |
Nhiều kiến nghị xác đáng
Sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo về dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, cử tri bày tỏ sự quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng khi kỳ họp sẽ xem xét, đánh giá và quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước.
Bên cạnh đó, cử tri đã ý kiến, kiến nghị một số vấn đề như: cần đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi; đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; tháo gỡ vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị trường học; những quy định không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay liên quan đến chế độ, chính sách về tiền lương cho cán bộ ngành Y tế; hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng sau đại học cho đội ngũ y-bác sĩ…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thuỵ |
Quan tâm đến công tác trồng và bảo vệ rừng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cử tri Nguyễn Tấn Đức (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) nêu kiến nghị: Các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác trồng và bảo vệ rừng. Qua đó nâng cao nhận thức trong toàn dân về lợi ích của việc trồng cây, tạo phong trào trồng cây sâu rộng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Cử tri Nguyễn Tấn Đức (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) quan tâm đến công tác trồng rừng, bảo vệ rừng ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trần Dung |
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh: “Tỉnh Gia Lai đã và đang có những giải pháp thiết thực, cụ thể để từng bước ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo đời sống sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Mong rằng chúng ta cùng chung tay bảo vệ môi trường, trồng và bảo vệ rừng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp bền vững”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thuỵ |
Liên quan đến Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 của HĐND tỉnh quy định chi tiết danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu-chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục và đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, cử tri Hoàng Thị Bích Lân-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đề nghị HĐND tỉnh sớm ban hành nghị quyết mới trên cơ sở Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND và bổ sung thêm một số mục.
“Để duy trì tính ổn định của nghị quyết nên đưa ra tỷ lệ tăng mức thu dựa vào tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của địa phương và sự thỏa thuận với cha mẹ học sinh”-cử tri Hoàng Thị Bích Lân đề xuất.
Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định cho hay: Vừa qua, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) kiểm tra và buộc phải dừng thu đối với một số khoản thu kèm theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND vì cho rằng không đúng quy định. Sở đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung danh mục hoạt động giáo dục và dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Sau khi Bộ đưa ra danh mục, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND hoặc ban hành 1 nghị quyết mới trước khi bước vào năm học 2024-2025.
Về những quy định không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay, cử tri Ngân Văn Thư-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Grai-dẫn chứng: Ngày 28-12-2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Hệ số lương cơ sở hiện nay so với thời điểm năm 2011 đã tăng hơn 200%, trong khi đó, mức phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật và thủ thuật vẫn không thay đổi. Điều này khá thiệt thòi cho đội ngũ y-bác sĩ.
Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái đồng tình và cho rằng kiến nghị của cử tri về tăng mức phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật là phù hợp và xác đáng. Ngành Y tế tỉnh sẽ tổng hợp kiến nghị, báo cáo các cấp có thẩm quyền; đồng thời, mong đại biểu Quốc hội góp tiếng nói để Bộ Y tế, Chính phủ xem xét đối với nội dung này.
Sau khi lắng nghe các kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri kèm viện dẫn để gửi cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét; đồng thời, hoàn thiện nội dung trả lời bằng văn bản cho địa phương, đơn vị đối với những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội có tiếng nói giúp tỉnh tháo gỡ những vướng mắc trong việc phân bổ nguồn lực, ban hành tài liệu giáo dục địa phương, tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm y tế…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch làm rõ thêm một số nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh: Đức Thụy |
Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao tặng 20 phần quà cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Đak Đoa.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công của huyện Đak Đoa. Ảnh: Trần Dung |
Đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Báo cáo tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với UBND tỉnh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong 4 tháng đầu năm 2024, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu kế hoạch, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế như một số dự án xây dựng cơ bản kế hoạch năm 2024 chưa đủ điều kiện phân bổ vốn; chậm đề xuất kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh, Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên; hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn…
Phó Giám đốc sở Kế hoạch-Đầu tư Đinh Hữu Hoà báo cáo tình hình chung 4 tháng đầu năm 2024 của tỉnh. Ảnh: Đức Thuỵ |
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tháo gỡ một số vướng mắc để hỗ trợ tỉnh đối với các vấn đề như: cần sớm ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng; xem xét, bố trí nguồn vốn giải quyết kiến nghị của người dân liên quan đến Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh huyện Chư Sê; sớm phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia để tỉnh triển khai thực hiện, đồng thời có cơ sở pháp lý để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy hoạch; hướng dẫn cụ thể các quy định của pháp luật về môi trường đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, chăn nuôi theo từng quy mô…
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nêu kiến nghị: “Về vấn đề làm thế nào để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, UBND tỉnh đã cố gắng tháo gỡ vướng mắc. Có những dự án đầu tư công chậm giải ngân cũng do chưa đồng bộ giữa các loại quy hoạch. Với dự án tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku hiện đã nhận được sự đồng nhất cao. Bây giờ quan trọng là sẽ được ghi vốn vào giai đoạn nào?... Những vấn đề này mong được sự đồng hành và thông tin của các đại biểu Quốc hội”.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm, xem xét có cơ chế, chính sách riêng đối với dự án thực hiện hạng mục trồng, chăm sóc rừng; sớm hướng dẫn, ban hành các quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió; sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Pleiku thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn trong việc triển khai các thủ tục đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku…
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nêu kiến nghị, đề xuất. Ảnh: Đức Thuỵ |
Sau khi nghe các ý kiến, đề xuất, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng: “Hoạt động tiếp xúc chuyên đề giúp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nắm rõ hơn về những vấn đề của địa phương. Đây sẽ là kênh thông tin, trao đổi để nắm bắt và phản hồi nhanh các vấn đề khó khăn, vướng mắc của tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh cần cụ thể hóa từng nội dung đề xuất, kiến nghị để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương, với Quốc hội. Thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc chuyên đề giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với UBND tỉnh để trao đổi thông tin một cách cụ thể, sát thực trên tất cả các lĩnh vực”.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn đề nghị UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tỉnh một cách đầy đủ và nghiêm túc để tiến hành bổ sung, hoàn chỉnh các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: “Thông qua buổi tiếp xúc chuyên đề, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nắm rõ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của địa phương để có hướng nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất”..