TN - Đất & Người

Kiến trúc sư Nguyễn Công Duy: "Cuộc kiếm tìm không ngơi nghỉ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Những công trình của Duy mang nhiều yếu tố tạo hình: đường nét, mảng khối và đặc biệt là kỹ thuật phối màu được Duy trau chuốt, xử lý một cách mạch lạc, mạnh mẽ và đầy cá tính. Là một kiến trúc sư trẻ, Duy luôn đau đáu tìm cái mới dựa trên nền tảng vững chắc của sự kế thừa, sự tôn trọng và lòng tự trọng. Với tâm huyết và phong cách thể hiện trong sáng tạo, Duy đã và đang thực sự là một nghệ sĩ…”.
 

Kiến trúc sư Nguyễn Công Duy.
Kiến trúc sư Nguyễn Công Duy.

Đó là những nhận xét chân tình của họa sĩ Lê Hùng-Chi hội trưởng chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Gia Lai, khi nói về kiến trúc sư Nguyễn Công Duy-một trong những học trò được ông đánh giá là xuất sắc nhất trong hơn 20 năm dạy Mỹ thuật.

Kiến trúc sư Nguyễn Công Duy hiện là Giám đốc Công ty Trường An Architecture (TP. Hồ Chí Minh)-chuyên về lĩnh vực thiết kế kiến trúc. Anh cũng là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Kiến trúc và Đại học Văn Lang TP. Hồ Chí Minh. Tuy anh tự nhận là “không có công trình nào xuất sắc” tại Gia Lai, nhưng thực tế, phần mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, cà phê Thiên Trúc, cà phê Hoàng Lan và một số công trình nhà ở khác tại đây cũng làm nên một phần dấu ấn phong cách thiết kế của anh.

Những nét vẽ từ gạch vụn…

Ngay từ khi còn nhỏ, kiến trúc sư Nguyễn Công Duy đã cảm nhận khá rõ ràng về đường nét, màu sắc và đặc biệt rất thích vẽ. Nhưng gia đình anh quá khó khăn nên chuyện đi học vẽ là một điều xa xỉ. Rất nhiều buổi trưa anh trốn ngủ để ra ngoài lấy gạch vụn vẽ lên lề đường, hoặc la cà mấy tiệm vẽ quảng cáo để xem vẽ bảng hiệu. “Rồi mình cũng tự nuôi dưỡng đam mê bằng cách cắt những bức tranh in trong báo làm thành bộ sưu tập cho riêng mình. Tuy nhiên, khi đó anh chỉ biết mê hội họa chứ chẳng biết gì về kiến trúc. Năm lớp 10, anh may mắn gặp họa sĩ Lê Hùng và thế là được học vẽ (miễn phí, vì thầy biết hoàn cảnh khó khăn của cậu học trò mê hội họa). Nguyễn Công Duy bộc bạch: “Quyết định thi Kiến trúc vì hồi đó mình cũng mê học Toán. Vào đại học thì may mắn được học với nhiều thầy cô giỏi và yêu nghề, điều đó cũng truyền cảm hứng cho công việc của mình sau này”.

Sau hơn 10 năm làm nghề, kiến trúc sư trẻ tuổi sinh năm 1977 này đã có được một số thành công nhất định khi luôn giành giải cao nhất tại nhiều cuộc thi thiết kế như: Mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum; Bệnh viện quận Tân Phú-TP. Hồ Chí Minh; cao ốc Phương Đông Tây Nguyên-TP. Buôn Ma Thuột… Những dự án, công trình của Trường An Architecture cũng có mặt ở nhiều tỉnh thành của đất nước, từ những ngôi nhà đơn lẻ cho đến trường học, khách sạn, bảo tàng, bệnh viện, những dự án quy hoạch tổng thể các khu dân cư… Có thể kể đến các công trình tiêu biểu như: Khu nhà nghỉ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Đồng Hới, Quảng Bình), Khu dân cư Cát Tường (Đức Hòa, Long An)…

…Đến cuộc chạy marathon “Tìm kiếm sự sáng tạo”

“Thiết kế kiến trúc là một cuộc chạy marathon để tìm kiếm sự sáng tạo-một sự kiếm tìm không ngơi nghỉ và đó không phải là công việc dễ dàng”-Kiến trúc sư Nguyễn Công Duy bày tỏ quan điểm như thế khi bắt đầu câu chuyện về nghề.

Công Duy cho biết anh say mê triết lý về kiến trúc hữu cơ của kiến trúc sư người Mỹ Frank Lloyd Wright và thích thú với các công trình của kiến trúc sư Gleen Marcus-Úc với triết lý “Hãy chạm nhẹ vào đất thôi”. Đây là những nhà tiên phong của làng kiến trúc thế giới với quan điểm: Một công trình kiến trúc nên được xây dựng dựa trên tổng quan thiên nhiên xung quanh nó, đồng thời tiết kiệm năng lượng một cách thông minh. Theo anh, cuộc sống hiện đại đang làm cho con người ngày càng xa rời, thậm chí là ngược đãi thiên nhiên và điều này gây ra sự mất cân bằng về sinh thái. “Kiến trúc xanh” chính là giải pháp để tạo nên một sự cân bằng mới.

Tự nhận không bị ràng buộc bởi một nguyên tắc, lý thuyết nào, Nguyễn Công Duy luôn cố gắng đi tìm cho mình sự tự do sáng tạo trong mỗi công trình thiết kế. Mỗi khi nhận được lời mời thiết kế-cho dù đó là tòa nhà nhiều tầng hay chỉ là một ngôi nhà nhỏ-anh luôn lắng nghe những mong muốn của khách hàng và cố gắng tìm hiểu về những gì đang diễn ra ở xung quanh địa điểm xây dựng đó, vì mỗi khách hàng và mỗi địa điểm đều chứa đựng trong đó “một phần lịch sử”. Và, nếu chỉ dừng lại ở việc đáp ứng những “đề bài” mà khách hàng đưa ra thì chưa đủ, mà theo anh, “điều quan trọng là phải tìm ra và giải quyết những điều ẩn chứa đằng sau nhiệm vụ thiết kế đó để tư vấn cho khách hàng. Nó lớn lao và sâu sắc hơn bất cứ yêu cầu sắp xếp nào”. Ngoài ra, kiến trúc sư năng động này cũng là một người khá duy mỹ. Nói như họa sĩ Lê Hùng, “Duy không chấp nhận là một kiến trúc sư đơn thuần, mà luôn đặt mục tiêu làm cho công trình mang tính nghệ thuật cao hơn”.

Cho rằng mình chưa có công trình nào đáng tự hào nên kiến trúc sư Nguyễn Công Duy luôn xác định phải học hỏi không ngừng, học mọi lúc mọi nơi… “Những kiến trúc sư giỏi bao giờ cũng hiểu biết ở rất nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, lịch sử, tôn giáo… Có tầm kiến thức rộng thì cái nhìn sẽ bao dung hơn và sự sáng tạo sẽ có chiều sâu hơn…”-anh nói.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm