Kinh tế

Kinh doanh “3 không” trên môi trường thương mại điện tử: Khó kiểm soát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, hoạt động mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và nền tảng mạng xã hội phát triển rất mạnh. Đi cùng với đó là tình trạng kinh doanh “3 không” (không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa). Trước tình hình đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quyết liệt ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.

Vấn nạn hàng giả diễn biến phức tạp

Thời gian gần đây, qua kiểm tra, kiểm soát, ngành chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh “3 không” trên các sàn TMĐT và mạng xã hội. Các đối tượng lợi dụng các sàn TMĐT, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giao dịch mua bán hàng hóa, sau đó thông qua các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng hóa nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Điển hình như vào ngày 17-3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Lương Thị Ánh Huyền (12 Hùng Vương, TP. Pleiku) thì phát hiện hộ kinh doanh này có hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet; kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Cục QLTT tỉnh quyết định xử phạt hành chính hộ kinh doanh này 37 triệu đồng, tịch thu 445 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và buộc tiêu hủy 93 đôi tất giả nhãn hiệu Adidas.

Quang cảnh lớp tập huấn giải pháp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Ảnh: Vũ Thảo

Quang cảnh lớp tập huấn giải pháp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Ảnh: Vũ Thảo

Mới đây, vào ngày 20-6, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Trần Lê Quỳnh Thi (135 Duy Tân, TP. Pleiku). Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị phát hiện bà Thi đang sử dụng mạng xã hội Facebook có địa chỉ http://www.facebook.com/Quynhthy816868 để livestream bán hàng và chốt đơn. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 111 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu CHANEL, LV, GUCCI, DIOR, HERMES đang được bảo hộ tại Việt Nam. Sau khi làm việc với đại diện các chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam, so sánh đối chiếu với các dấu hiệu vi phạm, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh quyết định xử phạt 31 triệu đồng đối với hộ kinh doanh này, buộc tiêu hủy tất cả hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh bán hàng giả mạo nhãn hiệu, hiện nay, tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hàng hóa tiêu dùng vẫn diễn ra phổ biến trên môi trường mạng. Các đối tượng thường sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng để quảng cáo thực phẩm; thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế để tư vấn không đúng về công dụng, tác dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, từ đó “thần dược hóa” thực phẩm chức năng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Kiên quyết xử lý hoạt động kinh doanh “3 không”

Theo Thượng tá Nguyễn Trung Hiển-Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh), việc đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả trên môi trường TMĐT trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực để kiểm soát hoạt động TMĐT còn thiếu và yếu, chưa kịp thời nắm bắt phương thức, thủ đoạn để đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng. Công tác chống gian lận thương mại còn nhiều khó khăn, vướng mắc; việc phối hợp giữa các lực lượng chưa được kịp thời. Bên cạnh đó, việc giám định hàng giả còn khó khăn, tốn kém, có những nhãn hàng nước ngoài không có đại diện tại Việt Nam nên khó xử lý.

Còn ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh thì cho rằng: Hành vi gian lận thương mại trên môi trường mạng xảy ra rất nhiều với các loại hàng hóa vi phạm chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, hàng gia dụng, thiết bị điện tử… Hiện nay, hoạt động mua bán hàng hóa trên các sàn giao dịch TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo… hay nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok rất nhiều. Song, việc thu thập thông tin, quản lý địa bàn, rà soát, lập danh sách và kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng này còn hạn chế và chưa phản ánh đúng thực tế. Người bán thường lợi dụng nền tảng mạng xã hội để chạy quảng cáo và livestream bán hàng.

Qua kiểm tra cho thấy, đa phần người bán có địa điểm livestream một nơi, nhưng kho hàng lại là một nơi khác nên gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý. Khi kiểm tra thì phát hiện hầu hết người bán đều không đăng ký kinh doanh, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không đăng ký thuế.

Mua hàng trực tuyến rất tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Vũ Thảo

Mua hàng trực tuyến rất tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Vũ Thảo

Về những khó khăn trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho biết: Hiện nay, ngành chức năng chỉ quản lý kinh doanh qua sàn giao dịch TMĐT vì theo quy định, các sàn có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý. Còn đối với hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội thì không có địa chỉ kinh doanh cố định nên không xác định được đối tượng. Cùng với đó, tên đăng trên mạng khác với tên thật, sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh. Giao dịch trong kinh doanh thì có lúc bằng tiền mặt, lúc chuyển khoản, trong khi tài khoản không phải lúc nào cũng đăng ký ở ngân hàng tại địa phương.

“Thời gian qua, ngành Thuế chỉ xử lý được 86 cá nhân, truy thu hơn 7 tỷ đồng. Vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, xây dựng phương án mang tính tổng thể, làm sao để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên không gian mạng”-ông Thành nêu giải pháp.

Theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương, năm 2023, chỉ số TMĐT của tỉnh tiếp tục tăng. Nếu năm 2021, chỉ số TMĐT của tỉnh xếp thứ 44/63 tỉnh, thành thì năm 2022 vươn lên xếp thứ 40 và năm 2023 đã vượt lên xếp thứ 38. Loại hình TMĐT chuyển từ giai đoạn hình thành, tạo lập hạ tầng sang phổ biến rộng rãi và đang từng bước đi vào cuộc sống. Người dân bắt đầu hình thành thói quen mua hàng trực tuyến. Các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi số để tăng công suất hoạt động, hiệu quả quản lý. Năm 2022, tỷ trọng doanh thu TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh ước đạt 7%, trong khi năm 2020 chỉ đạt 4%.

“Nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT, bảo đảm hoạt động TMĐT minh bạch, lành mạnh, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 1122/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Kế hoạch quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác phối hợp thực hiện”-ông Binh thông tin.

Ngành chức năng tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT và mạng xã hội nhằm ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Ảnh: Vũ Thảo

Ngành chức năng tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT và mạng xã hội nhằm ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Ảnh: Vũ Thảo

Theo đó, Kế hoạch số 1122/KH-UBND tập trung 4 nhóm nội dung gồm: triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các đơn vị, lực lượng chức năng có liên quan; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT.

Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu 100% cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT được đào tạo, trang bị kiến thức về TMĐT, có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; 100% tổ chức, cá nhân tại địa phương có kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.

Có thể bạn quan tâm