Chính trị

Tin tức

Kinh nghiệm quý từ sự kiện Toàn quốc kháng chiến vẫn nguyên giá trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

70 năm đã trôi qua, sự kiện toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người Việt Nam. Khí thế của những ngày toàn quốc kháng chiến như vẫn còn vang vọng, luôn nhắc nhở, tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phóng viên phỏng vấn Đại tá Dương Hồng Anh-Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam về giá trị lịch sử của lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Pháo đài Láng - nơi bắn phát pháo lệnh mở đầu Toàn quốc kháng chiến. (Ảnh tư liệu)
Pháo đài Láng - nơi bắn phát pháo lệnh mở đầu Toàn quốc kháng chiến. (Ảnh tư liệu)

- P.V: Ông có thể phân tích làm rõ thêm tư tưởng toàn dân kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tư tưởng kế thừa truyền thống của ông cha ta trong kháng chiến chống ngoại xâm?

Đại tá Dương Hồng Anh: Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ngắn gọn, chỉ có 183 từ và 15 câu. Nhưng trong đó đã toát lên những vấn đề chủ yếu. Thứ nhất là, mong muốn hòa bình của nhân dân Việt Nam. Việt Nam luôn luôn khát vọng hòa bình nhưng trước âm mưu và quyết tâm xâm lược đất nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, lời kêu gọi đã khẳng định ý chí kháng chiến của toàn dân ta “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Thứ hai, Bác đã chỉ ra phương châm trong cuộc kháng chiến này đó là “toàn dân, toàn diện”. Người đã kêu gọi “tất cả đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ” không phân biệt, tất cả phải đứng lên đánh thực dân Pháp xâm lược. Toàn diện được thể hiện ở chỗ “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”. Đó là phương châm chỉ đạo toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, phát huy sức mạnh toàn dân tộc để phục vụ cho cuộc kháng chiến thắng lợi.

Cuối cùng, Người đã chỉ ra niềm tin tất thắng của nhân dân ta trong phần cuối của lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

- P.V: Theo ông, cơ sở của niềm tin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vào khi Người kêu gọi toàn quốc kháng chiến là gì?

Đại tá Dương Hồng Anh: Cơ sở niềm tin theo tôi đó là phát huy truyền thống của nhân dân ta là một nước nhỏ, nhưng thường xuyên bị các nước lớn xâm lược. Vì vậy, mọi lúc, mọi nơi, nhân dân ta đều phải phát huy sức mạnh của toàn dân, toàn diện để tham gia kháng chiến kết hợp với những kế sách từ ngày xưa ông ta đã sử dụng. Đặc biệt là kế sách “Ngụ binh, ư nông” từ thời Lý Trần. Làm sao cho quân cũng mạnh và nông cũng mạnh, toàn dân là binh, “tĩnh vi nông, động vi binh”. Đó là phương châm giữ nước, kế sách giữ nước từ những thời Đinh, Lý, Trần và đã được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh.

- P.V: Sau khi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi, nhân dân cả nước đã hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác như thế nào, thưa ông?

Đại tá Dương Hồng Anh: Khi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được phát đi, toàn dân và lực lượng vũ trang ở khắp đất nước đều tiến hành toàn quốc kháng chiến, đặc biệt là các đô thị lớn như: Hà Nội, Huế, Nam Định... Nhân dân ta đã đồng loạt đứng lên chống thực dân Pháp, ở các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, lực lượng vũ trang tuy nhỏ yếu, nhưng đã giam chân địch được 60 ngày, gấp đôi dự kiến.

Đặc biệt, với phương châm tác chiến như “Trùng độc chiến” của Hà Nội, chúng ta đã “trong đánh ra, ngoài đánh vào, trong ngoài cùng đánh” làm cho lực lượng của địch rất lúng túng. Qua đó, phá kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch, tạo điều kiện cho chúng ta tổng di chuyển toàn bộ lực lượng, vũ khí, phương tiện lên căn cứ, lập nên chiến khu để thực hiện trường kỳ kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.

- P.V: Theo ông, trong thời đại hiện nay, sự kiện 70 năm toàn quốc kháng chiến đã để lại bài học gì cho Quân đội Nhân dân Việt Nam?

Đại tá Dương Hồng Anh: Sự kiện 70 năm toàn quốc kháng chiến đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm quý. Đó là phải tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng về đường lối quân sự quốc phòng. Thứ hai, phải nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng để sẵn sàng đối phó với các thế lực xâm lược. Thứ ba, phải phát huy được sức mạnh toàn dân, toàn diện để phục vụ cho cuộc kháng chiến. Thứ tư, phải làm thế nào để cho mọi người tự giác tham gia cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, có như vậy chúng ta mới có thể chiến thắng mọi thế lực thù địch. Theo tôi, những bài học đó, cho đến nay còn nguyên giá trị.

- P.V: Xin cảm ơn ông.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm