Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng giai đoạn 2005-2010, Gia Lai vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao: 13,6%. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các ngành, lĩnh vực thể hiện sự phát triển đúng hướng: Nông nghiệp tăng trưởng bình quân 6,36%/năm, công nghiệp- xây dựng 23,97%/năm, thương mại- dịch vụ 14,98%/năm.
Cùng với những kết quả quan trọng của ngành nông nghiệp, ngành công nghiệp- xây dựng có sự bứt phá rõ nét. Hoạt động thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, các vùng kinh tế động lực như: Pleiku, An Khê, Ayun Pa, Chư Sê... và một số ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh như: Thủy điện, chế biến nông- lâm sản, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy, hỗ trợ cho nông nghiệp và lưu thông hàng hóa phát triển.
Sau nhiều năm theo đuổi, đến nay sản xuất công nghiệp của tỉnh là một ngành kinh tế mạnh, đa dạng, bền vững, gắn chặt sản xuất, chế biến với các cơ sở công nghiệp, các vùng nguyên liệu; một số sản phẩm chủ lực như xi măng, điện thương phẩm, gỗ MDF, cà phê, hồ tiêu, đá granite... luôn ổn định đầu ra và có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Cà phê- một trong những mặt hàng mang lại giá trị xuất khẩu lớn. Ảnh: Đ.T |
Chất lượng và hiệu quả hoạt động xuất khẩu chuyển biến qua các năm, kim ngạch xuất khẩu vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Các ngành: Bưu chính Viễn thông, Giao thông- Vận tải, Ngân hàng, Bảo hiểm phát triển với tốc độ nhanh. Hoạt động tín dụng ngân hàng phát triển khá, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách của Chính phủ, tổng dư nợ cho vay bình quân tăng 25%/năm, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển gắn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
5 năm qua, tỉnh đã huy động được 31,5 ngàn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, tăng bình quân 13,5%/năm. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng cho ngành công nghiệp và dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có trên 260 công trình thủy lợi với năng lực tưới gần 36 ngàn ha. Một số công trình thủy lợi đang được tích cực triển khai như hồ Ia Mláh, Ia Lâu... Các công trình giao thông quan trọng được mở rộng như quốc lộ 14, 14C, quốc lộ 19, đường Đông Trường Sơn, các tuyến giao thông tỉnh lộ, liên huyện, liên xã, giao thông nông thôn... được sửa chữa, nâng cấp. Từ tháng 10-2009, Cảng Hàng không Pleiku đã khai trương đường bay thẳng Pleiku- Hà Nội.
Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư, phát triển các vùng kinh tế theo quy hoạch. Các vùng kinh tế động lực được chú trọng bằng nhiều nguồn vốn nên tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh và tích cực. Công nghiệp chế biến, thương mại- dịch vụ, kết cấu hạ tầng tiếp tục phát triển. Vùng sâu, cùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng được đầu tư lồng ghép nhiều nguồn vốn. Tỉnh ủy chỉ đạo đầu tư phát triển 12 xã nghèo của 3 huyện vùng căn cứ cách mạng: Kbang, Kông Chro và Krông Pa tập trung vào các mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cấp và cải thiện các công trình kết cấu hạ tầng chủ yếu, khai thác tiềm năng đất đai, phát triển sản xuất, giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng khá cao là địa phương thực hiện tốt chính sách phát triển các thành phần kinh tế, nguồn lực xã hội được chú trọng phát huy. Vai trò, vị trí của các thành phần kinh tế ngày càng được coi trọng tương xứng với các hình thức sở hữu. Công tác cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước được thực hiện đúng tiến độ, phần lớn các doanh nghiệp sau cổ phần hoạt động hiệu quả hơn. Kinh tế tập thể được duy trì, nhiều hợp tác xã được chuyển đổi theo mô hình mới. Kinh tế ngoài quốc doanh phát triển nhanh và ngày càng đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội. Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhanh, toàn tỉnh hiện có khoảng 3 ngàn doanh nghiệp ngoài quốc doanh với tổng vốn đăng ký trên 14 ngàn tỷ đồng, tăng 2 ngàn doanh nghiệp và 11 ngàn tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ.
Những nỗ lực vượt bậc nói trên đã đưa đến những kết quả quan trọng: Kinh tế tăng trưởng nhanh, chuyển dịch đúng hướng, các ngành được chú trọng phát triển. Nội lực và sức sản xuất xã hội được khai thông. Sản phẩm và của cải xã hội được làm ra nhiều hơn chẳng những phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng mà còn để xuất khẩu. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, GDP bình quân đầu người năm 2010 gấp 2,82 lần so với năm 2005. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 29,8% năm 2005 xuống còn 10,8% năm 2010, giải quyết việc làm 2,2 vạn lao động/năm và xuất khẩu lao động được trên 3 ngàn người. Đóng góp của các thành phần kinh tế vào ngân sách nhà nước vì vậy cũng được tăng lên. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 21,7%/ năm (2010: Ước đạt 2.100 tỷ đồng, gấp 2,65 lần so với năm 2005) vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh.
Thất Sơn