Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thu hoạch vải thiều chín sớm, chuẩn bị cho xuất khẩu. Ảnh: Thu Thủy |
Kỳ vọng tăng trưởng
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) mới đây đã thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực. Việc nâng hạng được đưa ra vài tuần sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo tăng trưởng 6,5% cho Việt Nam trong năm 2021. Trang Enonomy Next dẫn lời ông Jonathan Ostry - Phó Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của IMF - tuyên bố “không cần hỗ trợ chính sách kinh tế vĩ mô trên quy mô lớn ở Việt Nam”.
“Việt Nam đã hoạt động tốt hơn nhiều so với hầu như tất cả các nước trong khu vực của chúng tôi vào năm ngoái. Một con số tăng trưởng dương hiếm có trong một biển âm. Và điều này chủ yếu là do bộ chính sách ngăn chặn COVID-19 cực kỳ chủ động và hiệu quả được đưa ra rất sớm vào năm 2020 - thực sự cho thấy những gì có thể đạt được với một phản ứng y tế mạnh mẽ" - ông Ostry nói.
S&P cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trong vòng hai năm tới nhờ xuất khẩu và nhu cầu nội địa mạnh mẽ, sau khi tăng trưởng GDP thực tế giảm tốc vào năm ngoái do đại dịch. Tuy nhiên, mức tăng GDP thực tế của nền kinh tế lên 2,9% vào năm 2020 là một trong những mức tăng trưởng tốt nhất trên toàn cầu, nhờ ứng phó COVID-19 hiệu quả cao của chính phủ.
S&P kỳ vọng tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ phục hồi lên 8,5% vào năm 2021 trước khi tiến gần hơn đến tốc độ tăng trưởng theo xu hướng dài hạn của Việt Nam từ năm 2022 trở đi. Sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến hàng đầu cho FDI ở Đông Nam Á, cùng với lực lượng lao động trẻ sẽ giúp giữ nguyên quỹ đạo phát triển lâu dài của đất nước - theo đánh giá của S&P.
Tổ chức tín nhiệm cho rằng, sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã hỗ trợ sự hấp dẫn của lĩnh vực sản xuất đối với các doanh nghiệp toàn cầu trong các ngành công nghiệp điện tử, điện thoại di động và dệt may. Phân khúc định hướng FDI tiếp tục thúc đẩy hoạt động trong nước mạnh mẽ hơn, với cơ hội việc làm tốt hơn và mức lương cao hơn, thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ.
Triển vọng cho những động lực tăng trưởng này đang bị thách thức trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam được duy trì tốt vào năm 2020 và sự suy giảm sâu hơn trong tiêu dùng tư nhân cho đến nay đã được ngăn chặn nhờ các biện pháp y tế công cộng hiệu quả. Khả năng tiếp cận tín dụng của hộ gia đình nhiều hơn cũng đang giúp hỗ trợ nhu cầu của người tiêu dùng.
Đáng chú ý, tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ danh nghĩa khoảng 7% vào năm 2020, trái ngược với sự sụt giảm của nhiều nước trên thị trường mới nổi. Màn trình diễn này nói lên định hướng các sản phẩm sản xuất của Việt Nam hướng tới các nguồn nhu cầu toàn cầu đáng tin cậy, vốn đã được duy trì tốt trong thời kỳ đại dịch.
Cải cách kinh tế
Theo S&P, Việt Nam đang từng bước cải cách nền kinh tế theo mô hình thị trường hơn. Xếp hạng toàn cầu của Việt Nam trong cuộc khảo sát kinh doanh hằng năm của Ngân hàng Thế giới đã tăng lên thứ 70 vào năm 2019, từ thứ 99 vào năm 2013, với mức tăng mạnh mẽ trong việc thực thi hợp đồng, môi trường pháp lý, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng và thanh toán thuế.
Các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của chính phủ cung cấp các điểm neo chính sách hữu ích giúp cải thiện sự ổn định kinh tế vĩ mô và quản lý lạm phát trong những năm gần đây. Điều này đã dẫn đến tăng trưởng GDP thực tế luôn ở mức cao, trung bình 6% hằng năm kể từ năm 2013.
Chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả phát triển mạnh mẽ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng khu vực ngân hàng trong nước vào đầu những năm 2010.
Chính phủ Việt Nam đã tiến hành quá trình chuyển đổi lãnh đạo vào năm 2021. Việc chính phủ ứng phó thành công đợt bùng phát COVID-19 sẽ tiếp tục củng cố sự ủng hộ của người dân và nói lên năng lực của các tổ chức của Việt Nam. Việt Nam đạt thứ hạng cao về phát triển con người trong bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển Con người năm 2020 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, cho thấy sự tiến bộ nhất quán trong việc cung cấp cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất và dịch vụ công của chính phủ.
Việt Nam đã tích cực theo đuổi việc tăng cường tiếp cận thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Cơ cấu dư nợ nước ngoài của Việt Nam tiếp tục cải thiện dần và S&P kỳ vọng sẽ ở mức trung bình 15% trong giai đoạn 2021-2024. Tỉ lệ nợ của chính phủ bằng ngoại tệ đã giảm xuống dưới 40%, cho thấy rủi ro tỉ giá hối đoái giảm. Việt Nam đã tích lũy dự trữ ngoại hối với tốc độ nhanh trong những năm gần đây do thặng dư cán cân thanh toán cao. Những khoản dự trữ này có thể hoạt động như một bộ đệm bổ sung trong thời kỳ căng thẳng bên ngoài.
https://laodong.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-ky-vong-phuc-hoi-manh-me-915280.ldo
Theo Song Minh (LĐO)