Kinh tế

Kinh tế-xã hội nhiều khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, kinh tế-xã hội của tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2017 có sự chuyển biến tích cực với nhiều kết quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực.

Thu ngân sách tăng mạnh

 

Thu hoạch cà phê. Ảnh: Đ.T
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Đ.T

Sáng 5-4, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quý I-2017. Báo cáo tại hội nghị cho biết: Thu ngân sách trên địa bàn trong 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1.163,3 tỷ đồng (bằng 34,7% dự toán Trung ương giao, bằng 32,2% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt 37,9% dự toán HĐND tỉnh giao, từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 30,6%, khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 27,8%, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,5%, thu thuế bảo vệ môi trường đạt 25,9%, thu tiền sử dụng đất đạt 43%. Đây là số thu ngân sách cao nhất so với cùng kỳ của nhiều năm trước. Có 13 đơn vị, địa phương có số thu vượt kế hoạch.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 172 triệu USD (bằng 38,2% kế hoạch, tăng 88,4% so với cùng kỳ năm 2016). Nguyên nhân chủ yếu là do giá xuất khẩu cà phê tăng cao (bình quân đạt 2.030 USD/tấn); giá cao su chuyển biến tích cực từ những tháng cuối năm 2016 đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng ước đạt 11.807 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nêu: “Sản xuất vụ Đông Xuân toàn tỉnh đã gieo trồng được 65.172 ha cây trồng các loại (đạt 100,5% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước). Dịch bệnh trên cây trồng không có diễn biến phức tạp, chỉ xuất hiện một số loại sâu bệnh thông thường trên diện hẹp. Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do hạn hán gây ra, chưa xảy ra cháy rừng. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã phân bổ kế hoạch trồng mới 7.491 ha rừng trong năm 2017 (trong đó trồng rừng sản xuất 6.222 ha, rừng phòng hộ 269 ha và 1 triệu cây phân tán)”. Cũng theo ông Trương Phước Anh, đến nay, toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 27 xã đạt 15-18 tiêu chí, 81 xã đạt 10-14 tiêu chí, 46 xã đạt 5-9 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Nói về việc yêu cầu các địa phương xúc tiến thành lập chi hội doanh nghiệp và thường xuyên theo dõi tình hình phát triển doanh nghiệp, tổ chức đối thoại định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo các địa phương trong tỉnh để triển khai việc này. Hiện có 4 địa phương đã thành lập chi hội doanh nghiệp là Đak Đoa, Chư Sê, Chư Pah và thị xã An Khê; TP. Pleiku hiện đang sinh hoạt chung với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Các huyện, thị xã còn lại đang tích cực triển khai”.

 

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trần Dung
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.  Ảnh: Trần Dung

Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, kế hoạch xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng được triển khai tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông, lao động việc làm, du lịch, khoa học-công nghệ tiếp tục có bước phát triển. Các vấn đề bức xúc xã hội, khiếu nại tố cáo được quan tâm giải quyết. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thời gian tới

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong quý II-2017, tỉnh ta tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra. Cụ thể, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm khai thác nguồn thu. Thu hồi kịp thời các khoản phát hiện qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Tập trung xử lý nợ đọng thuế, nhất là đối với các doanh nghiệp nợ đọng lớn, nợ kéo dài. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tài chính-ngân sách nhà nước, bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo dự toán được giao. Từng bước cải thiện môi trường kinh doanh, phấn đấu năm 2017 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong top 30 tỉnh, thành phố đứng đầu.

 

Lực lượng chức năng tháo dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè.
Lực lượng chức năng tháo dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Đ.T
Chỉ đạo về nhiệm vụ trong quý II-2017, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng ta phải triển khai tốt, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân. Khẩn trương triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, đề án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kế hoạch phát triển cánh đồng lớn, tái canh cây cà phê, tưới tiết kiệm nước. Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng, vật nuôi. Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng-chống cháy rừng. Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh và quy hoạch lại 3 loại rừng để bàn giao số liệu cho các địa phương, đơn vị chủ rừng triển khai công tác trồng rừng; chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất, đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng mới 7.491 ha rừng. Hơn nữa, phải tập trung các nguồn lực, triển khai các giải pháp then chốt, đảm bảo có hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (nhất là hồ tiêu, cà phê, mía...) theo chuỗi giá trị gắn phát triển mô hình hợp tác xã. Phấn đấu 22 xã đã đăng ký sẽ đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017”.

Tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I, các đại biểu dành nhiều thời gian đề cập đến “chiến dịch” giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Báo cáo tóm tắt kết quả ban đầu, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Trần Xuân Quang cho biết: “Kết quả bước đầu, đại bộ phận người dân đồng thuận với chủ trương lập lại trật tự vỉa hè. Sau 10 ngày ra quân, chúng tôi đã tháo dỡ 2.300 mái che, bảng quảng cáo (trong đó, 1.500 mái che do người dân tự tháo dỡ). Thời gian tới, TP. Pleiku sẽ tiếp tục làm tốt công tác này”. Chỉ đạo về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhắc nhở: “Trong quá trình xử lý lấn chiếm vỉa hè, chúng ta phải hết sức chú ý và cân nhắc xử lý sao cho hợp lý nhất. Làm sao vừa đảm bảo an ninh đô thị vừa đảm bảo được trật tự xã hội, đảm bảo cho cuộc sống của người dân”.

Cũng trong quý II, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ; trong đó tập trung hoàn thành sớm việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng. Triển khai tốt đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Chủ trì khảo sát, đề xuất các giải pháp huy động người dân tộc thiểu số làm việc tại các công ty cao su. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị, mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tập trung đẩy nhanh giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu không còn hộ nghèo là gia đình chính sách.

Song song với đó, Công an tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải, Ban An toàn Giao thông tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tập trung phân tích, đánh giá cụ thể các yếu tố có liên quan trong từng vụ tai nạn giao thông để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Đấu tranh, trấn áp quyết liệt, hiệu quả các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; có các giải pháp cụ thể để giảm thiểu tệ nạn xã hội như: tự tử, chết đuối, nhất là đuối nước ở trẻ em, học sinh.

 Trần Dung

Có thể bạn quan tâm