TN - Đất & Người

Kon Plông chú trọng bảo tồn, phát triển nghề truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thời gian qua, UBND huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách dân tộc; thường xuyên vận động các nghệ nhân và người dân trên địa bàn tham gia gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ gắn với việc phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, bảo tồn bản sắc văn hóa và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bà Đỗ Thị Kim Loan- Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Kon Plông cho hay: Từ năm 2017 đến nay, huyện Kon Plông đã tổ chức 27 đợt tuyên truyền cho hơn 3.000 lượt nghệ nhân và những người biết làm các nghề truyền thống trong đồng bào DTTS; mở 4 lớp tập huấn về khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống; hỗ trợ 26 bộ khung dệt cho các hộ đồng bào DTTS để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn.

 

Đồng bào DTTS ở huyện Kon Plông giữ nghề đan lát truyền thống. Ảnh: QĐ
Đồng bào DTTS ở huyện Kon Plông giữ nghề đan lát truyền thống. Ảnh: QĐ



Qua điều tra khảo sát của ngành chức năng, đến nay trên địa bàn huyện Kon Plông có 49 người biết làm nghề dệt thổ cẩm, 47 người biết làm nghề rèn, 321 người biết nghề đan lát, 2.450 người biết làm rượu ghè, 88 người biết chế tác nỏ, 27 người biết chế tác các loại nhạc cụ truyền thống (đàn tơ rưng, đàn ting ning...) và có 8 người biết kỹ thuật tạc tượng gỗ.

Số lượng người biết làm nghề truyền thống trên địa bàn huyện Kon Plông tương đối nhiều, nhưng để có thu nhập từ nghề truyền thống chỉ có 15 người cố gắng theo đuổi và tâm huyết với nghề. Trên địa bàn hiện nay có 4 điểm trưng bày bán sản phẩm nghề truyền thống.

Thời gian qua, huyện Kon Plông quan tâm phát triển các nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ gắn với phát triển du lịch. Năm 2020, UBND tỉnh công nhận 5 điểm du lịch, bao gồm: Điểm du lịch Làng Văn hóa - Du lịch Kon Pring (thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen), Điểm du lịch Hồ Đam Bri (thôn Măng Đen, thị trấn Măng Đen), Điểm du lịch Thác Pa Sỹ (thôn Măng Đen, thị trấn Măng Đen), Điểm du lịch sinh thái Êban Farm (thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành) và Điểm du lịch sinh thái Thiện Mỹ Farm (thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành).

Dự kiến giai đoạn 2022- 2025, huyện Kon Plông xây dựng thêm 5 điểm du lịch, gồm: Điểm Du lịch cộng đồng thôn Kon Chênh (xã Măng Cành), Điểm Du lịch cộng đồng thôn Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng), Điểm Du lịch sinh thái lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum (xã Đăk Tăng), Điểm Du lịch công đồng thôn Vi Ô Lắc (xã Pờ Ê) và Điểm Du lịch sinh thái lòng hồ Thủy điện Đăk ĐRing (xã Đăk Nên).

Với tiềm năng, lợi thế của địa phương, việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là thế mạnh mà huyện Kon Plông đang tập trung khai thác, phát triển trong thời gian đến nhằm vừa góp phần giữ gìn nghề truyền thống- nét văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS tại chỗ, vừa tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với địa bàn nhằm đẩy mạnh phát triển “ngành công nghiệp không khói” của địa phương. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Thực hiện Chương trình số 43-CTr/HU ngày 13/4/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kon Plông khóa XIX về thực hiện Nghị quyết số 08NQ/TU ngày 16/2/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND huyện Kon Plông đã xây dựng Kế hoạch, Đề án triển khai thực hiện nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về nghề truyền thống của đồng bào DTTS để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, trong những năm tới, UBND huyện Kon Plông kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch cộng đồng gắn với quảng bá, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nghề truyền thống của người DTTS nhằm phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các DTTS tại chỗ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ. Trong đó, chú trọng các nghề có khả năng phát triển các sản phẩm thương mại, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng vùng đồng bào DTTS, góp phần phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn huyện. 

Theo Quang Định (baokontum)

Có thể bạn quan tâm