TN - Đất & Người

Kon Tum: Hệ lụy từ việc cấp phép khai thác cát tràn lan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sông Đắk Bla (tỉnh Kon Tum) đang phải 'oằn mình' trước sự tàn phá nặng nề do tình trạng khai thác cát ồ ạt, sai quy trình.
 
Đất được xúc đổ xuống lòng sông để "đãi" lấy cát. Ảnh: T. Thọ
Đào đất bãi bồi, nương rẫy để “đãi” lấy cát
Sông Đắk Bla đoạn chảy qua thành phố Kon Tum, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân sống dọc hai bên bờ sông, đặc biệt là các buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều năm trở lại đây, chính quyền tỉnh Kon Tum cấp phép cho hàng loạt doanh nghiệp được hoạt động khai thác cát trên hàng chục km sông khiến trữ lượng cát cạn kiệt, ảnh hưởng môi trường.
Đáng nói, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự buông lỏng quản lý, khai thác không đúng theo phương án được duyệt; khai thác không đúng giờ quy định, không cắm mốc hoặc cắm mốc không đầy đủ, không đảm bảo an toàn khi vận chuyển cát…
Tình trạng này đã và đang dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực.
Cụ thể, do mật độ mỏ khai thác cát dày đặc, hoạt động thai thác ồ ạt, cộng với mùa khô kéo dài, đầu mùa mưa lượng ít nên cát không trôi về kịp. Để có cát bán ra thị trường, nhiều doanh nghiệp đã ngang nhiên huy động máy xúc, sử dụng ô tô tải vận chuyển đất chở từ trên bờ, bãi bồi, nương rẫy đổ xuống sông để đãi lấy cát.
Tại địa bàn phường Thắng Lợi, chúng tôi ghi nhận mỗi ngày các doanh nghiệp khai thác cát đã xúc đổ xuống sông Đắk Bla hàng trăm m3 đất.
Việc xúc đất “đãi” cát gây ra nhiều hệ lụy khôn lường như: Sạt lở bờ sông, làm biến đổi dòng chảy, gây ô nhiêm môi trường ... Cùng với đó, việc đào đất dọc bờ sông đã tạo nên những cái hố sâu, gây nguy hiểm cho người dân mỗi khi đi lại sản xuất.
Một người xưng là quản lý tại một mỏ cát ở phường Thắng Lợi (TP Kon Tum), đã lý giải cho việc đào đất để “đãi” lấy cát: “Cát dưới sông không còn nữa, lòng sông toàn đá thôi, một phần do thủy điện ngăn dòng, phần vì khai thác liên tục diện tích cấp phép lại nhỏ nên không còn cát để khai thác”.
Cũng theo ông này, trong phương án khai thác không được phép đổ đất xuống sông đãi cát nhưng vì hết cát nên đành phải… làm liều.
Khi được hỏi, việc đổ đất “đãi” cát có bị chính quyền ngăn chặn không, vị này hồn nhiên trả lời: “Nếu cấm thì cấm cả chục mỏ, ai chẳng phải làm thế”.
Tương tự, tại xã Đắk Bla (TP Kon Tum) tình trạng đào phá đất bãi bồi, nương rẫy đổ xuống sông “đãi” cát cũng diễn ra phổ biến và không có dấu hiệu ngăn chặn hay xử lý nào từ chính quyền địa phương. Đời sống sinh hoạt và đất sản xuất của người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hoạt động khai thác cát vô tội vạ.
 
Đất bị xúc chở đi "đãi" lấy cát, để lại những hố sâu dọc bờ sông Đắk Bla. Ảnh: T.Thọ
“Từ ngày các mỏ khai thác cát đi vào hoạt động, tình trạng sạt lở hai bên bờ sông diễn ra rất nghiêm trọng. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục thì đất nông nghiệp của dân sẽ bị trôi sông hết”, một người dân tại xã Đắk Bla phản ánh.
Cần sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền địa phương
Khi nhận được phản ánh về thực trạng khai thác cát “nuốt” bờ sông, làm xói lở đất nông nghiệp, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Bla Trịnh Lê Văn tỏ ra ngạc nhiên: “Có chuyện đó à?”
Ông Trịnh Lê Văn cho biết sẽ lập đoàn kiểm tra, khi có kết quả sẽ cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Kon Tum, ông Nguyễn Quốc Vương tỏ ra bất ngờ trước thông tin mà chúng tôi phản ánh: “Có thật không, ở chỗ nào?” Sau khi chúng tôi cho kiểm chứng qua các hình ảnh, vị trưởng phòng mới tin đó là sự thật.
Ngay sau buổi làm việc, ông Vương đề nghị chúng tôi dẫn ra hiện trường khai thác cát sai phép. Tại đây, đơn vị mới phát hiện sai phạm, cho lập biên bản vi phạm đối với một doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn xã Đắk Bla.
Việc khai thác cát không đúng phương án, phương tiện không đăng ký, vị trí khai thác không nằm trong quy hoạch, gây nhiều hệ lụy, diễn ra suốt thời gian dài nhưng các cấp chính quyền và các ngành chức năng như: Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông đường thủy… tại tỉnh Kon Tum vẫn không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Trước tình trạng nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Kon Tum sớm vào cuộc để xử lý triệt để. Đồng thời chấn chỉnh lại việc cấp phép khai thác cát tràn lan trên sông Đắk Bla, tránh xảy ra hậu quả khó lường cho môi trường và đời sống nhân dân.
Trần Thọ (Thanh Tra)

Có thể bạn quan tâm