TN - Đất & Người

Kon Tum kêu gọi đầu tư 31 dự án phát triển dược liệu với quy mô 14.000 ha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào 31 dự án trồng và chế biến dược liệu với quy mô gần 13.900 ha, tổng vốn đầu tư  8.995 tỷ đồng tại 9/10 huyện, thành phố (chủ yếu ở 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông).

Vườn ươm giống sâm Ngọc Linh. Ảnh: VGP/Dương Nương
Vườn ươm giống sâm Ngọc Linh. Ảnh: VGP/Dương Nương
Trong đó, có một số dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn như: Dự án trồng cây dược liệu có giá trị cao tại 3 xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei) với quy mô 1.000 ha, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Dự án đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp bảo vệ và phát triển cây dược liệu tại xã Ngọk Lây (huyện Tu Mơ Rông) với quy mô gần 4.800 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; Dự án quản lý bảo vệ rừng kết hợp phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu dưới tán rừng tại 3 xã: Ngọk Lây, Măng Ri, Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) với quy mô trên 2.500 ha, vốn đầu tư  900 tỷ đồng.
Dự án Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung tại xã Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) với quy mô 200 ha, vốn đầu tư 600 tỷ đồng; Dự án trồng và chế biến dược liệu kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại xã Pờ Ê và thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) với quy mô gần 250 ha, vốn đầu tư 554 tỷ đồng.
Dự án trồng, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác tại xã: Văn Xuôi và Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông) với quy mô 2.335 ha, vốn đầu tư 500 tỷ đồng; Dự án nhân giống và trồng các loại cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại xã: Ngọc Lây và Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) với quy mô 1.500ha, vốn đầu tư 420 tỷ đồng...
Đến nay, UBND tỉnh Kon Tum đã chấp thuận chủ trương đầu tư 24 dự án phát triển dược liệu với tổng vốn đăng ký đạt 13.213 tỷ đồng. Một số dự án lớn đã đi vào triển khai hoạt động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Toàn tỉnh hiện phát triển được 2.416,5 ha dược liệu, trong đó có khoảng hơn 1.000 sâm Ngọc Linh, gần 630 ha đảng sâm, gần 58 ha đương quy, trên 168 ha nghệ vàng, gần 117 ha sa nhân... Hình thành được một số vùng trồng dược liệu tập trung như: Vùng trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông; Đăk Glei; vùng trồng sâm dây tại tại huyện Tu Mơ Rông; Đăk Glei; vùng trồng sa nhân tím tại huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum; có 2 cơ sở đủ điều kiện sản xuất và cung ứng giống Sâm Ngọc Linh là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Dương Nương (baochinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm