Du lịch

Kon Tum: Làng cổ tích độc đáo của cộng đồng người Ba Na bên dòng sông Đăk Bla

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làng cổ tích Kon Kơ Tu, thuộc xã Đăk Rơ Wa (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) nằm bên bờ sông Đăk Bla thơ mộng. Từ lâu nay cộng đồng người Ba Na ở đây đã biết làm du lịch. Bà con mở homestay, tổ chức đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, dựng nhà sàn cho du khách đến tham quan…
Clip: Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum).
Khi người Ba Na làm du lịch
Cách trung tâm thành phố Kon Tum không xa, làng Kon Kơ Tu là ngôi làng xa nhất xã Đăk Rơ Wa. Từ phố thị Kon Tum, qua cầu treo Kon Klor, chạy dọc dòng sông Đăk Bla chúng ta có thể nhìn thấy ngôi làng cổ của người Ba Na. Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu.

Làng du lịch Kon Kơ Tu nằm bên dòng sông Đăk Bla đầy thơ mộng...
Theo đó, ngôi làng cổ có khoảng 600 cư dân người dân tộc Ba Na. Điều đặc biệt làng Kon Kơ Tu có vị thế khá lý tưởng, vừa đứng bên núi, lại nằm cạnh sông, không khí khá trong lành. 
Khai thác từ thế mạnh của mình hiện có, cộng đồng người Ba Na tại làng Kon Kơ Tu từ lâu đã biết làm du lịch. Họ mở homestay, tổ chức đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, dựng nhà sàn cho du khách đến tham quan…

Những homestay được xây dựng tại làng du lịch Kon Kơ Tu nhằm phục vụ du khách...
Với nét đặc hữu riêng về kiến trúc của một làng cổ cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống của người Ba Na, làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu từ lâu đã tạo được điểm nhấn về du lịch của thành phố Kon Tum. 
Dù trải qua thăng trầm lịch sử nhưng bà con ở đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc của người dân tộc Ba Na bản địa, thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, duy trì lễ hội cồng chiêng, các hoạt động văn hóa dân gian…
Cũng nhờ vậy, ngôi làng cổ Kon Kơ Tu đã được chọn là điểm đến của du khách trong hành trình ghé thăm Kon Tum. 
Ban đầu làm du lịch ở làng cổ Kon Kơ Tu chỉ là tự phát theo kiểu " Tây ba lô". Nhưng sau này, những chuyến "du lịch cộng  đồng" về Kon Kơ Tu thường xuyên, quen thuộc hơn. 
Nhận thấy được việc xây dựng nơi lưu trú của đoàn khách du lịch là cần thiết, bà Y Na (57 tuổi, dân tộc Ba Na, trú tại làng Kon Kơ Tu) và nhiều người dân nơi đây đã tích góp, gom tiền để xây dựng mô hình lưu trú homestay.

Người dân làng Kon Kơ Tu vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc của người dân tộc bản địa, thể hiện qua kiến trúc nhà sàn
Trò chuyện cùng phóng viên, bà Y Na kể lại: "Ngày xưa gia đình tôi làm nhà sàn, hướng dẫn du khách đi tham quan và giới thiệu về văn hóa, phong tục tập quán của người Ba Na. Ngày đó, du khách đến làng chỉ để tham quan, chụp hình, ngắm cảnh mà không thể ở lại...".
"Bởi lúc bấy giờ làng không có khách sạn hay dịch vụ ăn uống, ở qua đêm. Chính vì vậy, gia đình tôi đã tích góp tiền để xây dựng homestay nho nhỏ theo kiểu đơn sơ, độc lạ", bà Y Na kể thêm.

Tranh thủ mùa dịch Covid-19, hoạt động du lịch tạm ngừng, bà Y Na dệt các trang phục thổ cẩm để có thể kịp chuyển đến du khách đã đặt trước đó...
Theo đó, khi đến với làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu du khách sẽ được dừng chân nghỉ ngơi tại các Homestay (Y Na, A Ben, A Kâm,...) được thưởng thức ăn uống các món ăn truyền thống của người Bahnar như gà nướng, cơm lam, gỏi lá, heo làng nướng xiên...
Đặc biệt, du khách sẽ được trải nghiệm, mua sắm trang phục thổ cẩm, rượu ghè, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Một hoạt động khác được nhiều du khách khám phá, đó là trải nghiệm đi thuyền độc mộc truyền thống trên sông Đăk Bla; giao lưu văn hóa cồng chiêng - múa xoang; trải nghiệm các hoạt động cũng như tập quán đời sống của người Bahnar.

Ngôi nhà rông làng Kon Kơ Tu hiên ngang qua các thời kỳ lịch sử
Du khách đến làng còn được tham gia làm các món ăn truyền thống với tổ ẩm thực của làng, xuống suối bắt cá, gội đầu bằng nước lá truyền thống...
Khách cũng được tham quan và trải nghiệm thực hành cùng nghệ nhân các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm rượu ghè, đan lát, chế tác và chơi các loại nhạc cụ dân tộc như T'rưng, cồng chiêng…
Làng cổ chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng, chống dịch Covid-19
Gia đình bà Y Na là một trong những thành viên của tổ hợp tác du lịch làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu. Cứ mỗi lượt khách đến cư trú tại homestay sẻ phải trả phí 100.000 đồng/đêm chưa tính tiền ăn uống… Việc kinh doanh này đã giúp người dân có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Bên cạnh các ngôi nhà rông, nhà sàn tại làng du lịch Kon Kơ Tu còn có những ngôi nhà khung gỗ, vách trát bùn đất ngày xưa...
Bà Y Na cho hay: "Ngày trước trong làng hễ có đoàn du khách đến tham quan là bà con mừng lắm. Bà con Ba Na mình rất hiếu khách, rất muốn khách đến làng. Nhưng hiện tại, do dịch bệnh Covid-19 nên xã cấm bà con không được thực hiện đón khách và cho khách ở lại qua đêm...".
"Chồng tôi là già làng nên phải làm gương, thấy ai lạ đến làng thì phải thông báo ngay cho Công an và tuyên truyền cho bà con trong làng phòng chống dịch", bà Y Na bộc bạch.
Được biết, tại làng Kon Kơ Tu hiện có 146 hộ thì khoảng 40% bà con tham gia làm du lịch cộng đồng. Mỗi khi có đoàn khách du lịch đăng ký đến làng để trải nghiệm thì tổ hợp tác du lịch làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu sẽ tiến hành họp các thành viên, phân công nhiệm vụ tổ chức đón tiếp cho từng hộ.
Từng thành viên tổ hợp tác sẽ đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau như: Phục vụ ẩm thực (cơm lam, gà nướng, rượu cần…), phục vụ diễn xướng cồng chiêng, múa xoang, dẫn khách tham quan trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, chèo thuyền dọc sông Đăk Bla…

Những dãy nhà sàn phục vụ du khách nghỉ ngơi trong quá trình tham quan tại làng Kon Kơ Tu...
Theo anh A Kâm – Tổ trưởng tổ hợp tác du lịch làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, từ khi được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là làng du lịch cộng đồng (tháng 7/2020) thì nơi đây đã được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. 
Hơn nữa, tại làng không còn tình trạng làm du lịch tự phát, đơn lẻ như trước mà đã mang tính cộng đồng, cùng hợp tác để làm du lịch.
"Tổ hợp tác chúng tôi đã thống nhất mức giá 150 nghìn đồng/người đối với đoàn khách trên 30 người. Số tiền đó sẽ bao gồm ẩm thực và xem biểu diễn cồng chiêng. Ngoài ra, khách lưu trú ở lại các các homestay sẽ tính mức phí 100 nghìn đồng/người", A Kâm cho hay.

Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, làng Kon Kơ Tu đã tạm đóng cửa ngưng tiếp khách du lịch
Ông Đào Văn Hậu - Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết, từ khi được công nhận làng Du lịch cộng đồng, nhận thức của bà con đã thay đổi.
Bà con Ba Ba trong làng đã biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm để khai thác tiềm năng làm du lịch. Theo đó, khi tham gia vào làm du lịch cộng đồng, bà con sẽ được hưởng lợi nhiều hơn về chính sách ưu đãi vốn vay và xã sẽ giới thiệu nhiều du khách đến tham quan hơn.
Từ đó bà con vừa có tiền dịch vụ lưu trú, vừa tiêu thụ các mặt hàng sẵn có của người dân như gà, rau rừng, măng, cơm lam, rượu ghè, kết hợp đan lát… góp phần nâng cao thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Những homestay bên bờ sông Đăk Bla thơ mộng...
"Thế nhưng, hiện tại do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên chính quyền địa phương đã tuyên truyền bà con dừng các hoạt động du lịch, không tổ chức đón khách lạ đến tham quan và lưu trú lại qua đêm nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Xã đã tổ chức lập chốt chặn tại làng nhằm hạn chế người ra vào, tuyên truyền bà con thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch", ông Hậu cho biết thêm.
Theo Trần Hiền (Dân Việt)
https://danviet.vn/kon-tum-lang-co-tich-doc-dao-cua-cong-dong-nguoi-ba-na-ben-dong-song-dak-bla-20210730145126398.htm

Có thể bạn quan tâm