TN - Đất & Người

Kon Tum: Lên núi âm u "lạc" vào rừng sâm quý hiếm, nhìn không thấy gì, bới lớp đất ra là cả gia tài lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không chỉ mạnh mẽ, dẻo dai khi nảy mầm, vươn lá, ra hoa, kết hạt, cuộc sinh tồn của sâm Ngọc Linh còn diễn ra âm thầm, lặng lẽ nhưng không kém phần bền bỉ dưới lớp đất đen thẫm của rừng già. Ấy là mùa sâm “ngủ đông”, kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau.
1. Sau 3 lần nghỉ, chúng tôi mới lê được tấm thân rã rời đến “chốt” sâm của nhà già A Điện Biên, mồm mũi thi nhau thở. 
Hơn một tiếng đồng hồ đi bộ leo núi, băng rừng chứ ít gì. Anh bạn đồng nghiệp vặn lưng cùng cục, tò mò ngắm đại ngàn thâm u, với những cây cổ thụ to cả người ôm không xuể, dây leo chằng chịt, nhưng dưới gốc lại rất sạch sẽ. 
Đất được vun thành luống như để… trồng rau, rào dậu cẩn thận.
Tôi chỉ chỉ những luống đất ấy, thì thầm: Luống sâm đấy. Nhìn vậy thôi mà dưới lớp mùn này là cả một gia tài.
Dưới lớp đất này á? Có gì lạ đâu? Anh hỏi lại, săm soi lớp mùn dày với ánh mắt nghi ngờ. Rồi định bước vào vườn, tôi hốt hoảng níu lại: Từ từ, để chờ chủ vườn dẫn đi kẻo dính bẫy hoặc chông đấy.

Một củ sâm Ngọc Linh trong thời kỳ ‘’ngủ đông’’. Ảnh: H.L
Một củ sâm Ngọc Linh trong thời kỳ ‘’ngủ đông’’. Ảnh: H.L
Vài sợi nắng xuyên qua tán lá, rớt xuống mặt đất âm u, không đủ để xua đi không khí buốt lạnh của núi rừng Ngọc Lây. Anh đi theo cậu thanh niên, nghiêng ngó nhìn các vạt đất, luôn miệng xuýt xoa, cũng chẳng biết vì lạnh hay vì lạ?
Nhưng tôi đoán rằng, hẳn là vì lạ.
Làm một phóng viên một tờ báo lớn ở Thủ đô, từ nhỏ đến giờ anh đã từng “mục sở thị” cây sâm Ngọc Linh, củ sâm Ngọc Linh bao giờ đâu, tất cả hiểu biết về “Quốc bảo” chỉ là mớ kiến thức, hình ảnh “nhặt” được trên mạng. 
Phải quyết tâm lắm, cộng thêm điều kiện cho phép, anh mới thu xếp được một chuyến “Tây Nguyên hành”. Lên đến nơi, anh nằng nặc đòi tôi bố trí dẫn đi “ngắm” sâm Ngọc Linh. “Phải nhìn tận mắt, sờ tận tay mới được”- anh tuyên bố.
Rõ khổ. Đang là mùa sâm Ngọc Linh “ngủ đông”. Có lên đến tận vườn sâm cũng có thấy gì đâu- tôi nghĩ. Nhưng vì cảm thông với sự quyết tâm của anh nên cũng đành gật đầu. Thế là vận dụng hết các mối quan hệ, ngày cuối tuần, tôi dẫn anh lên vườn sâm ở Ngọc Lây, Tu Mơ Rông.
Đứng bên cạnh, già A Điện Biên lôi gói thuốc rê trong túi vải vẫn đeo bên hông, vừa chậm rãi vấn một điếu cỡ ngón tay cái, vừa thủng thẳng nói: Sâm ngủ đông rồi, nằm dưới đất cả. Trong lạnh giá, hơi thở của già phả ra như khói.
Vườn sâm Ngọc Linh này thuộc làng Kô Xia, nằm trên độ cao gần 1.900m, rộng hơn 1ha, độ tuổi sâm từ 5-8 năm được Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh liên kết, hỗ trợ 6 hộ gia đình thôn Kô Xia, gồm A Điện Biên, A Hít, A Hốt, A Chiến, A Ngăn, Y Em trồng.
Chúng tôi dò dẫm bước giữa những luống sâm. Già A Điện Biên nhắc: Cẩn thận đạp bẫy. Thật ra đặt bẫy, chông chỉ là để ngăn thú rừng phá hoại thôi. Nhím, sóc, dúi, tê tê, chuột rất hay vào ăn củ sâm, chim rừng thì thích hạt.

Vườn sâm Ngọc Linh ''ngủ đông''. Ảnh: HL
Vườn sâm Ngọc Linh ''ngủ đông''. Ảnh: HL
Gọi là luống sâm, nhưng thật ra chỉ thấy… lớp mùn. Thỉnh thoảng có vài cây mới rụng hết lá, còn mỗi thân khô, người không biết cứ ngỡ là… cây chết. 
Chợt nhớ lại hình ảnh ông anh nụm nịu gốc sâm Ngọc Linh còn nguyên những nhánh lá xanh non, mỡ màng, nhìn mà muốn… luộc lên ăn, rễ còn nguyên bùn đất mà thương. 
Mới vừa nhổ ở vườn lên nhé, đảm bảo tươi roi rói- anh khoe. Trời ạ, mùa này sâm ngủ đông, củ nằm im lìm dưới đất, làm gì có cành lá xanh non?
Biết vậy, nhưng không nỡ nói ra làm anh buồn. Như thế có bị coi là “tiếp tay” cho nạn buôn bán sâm Ngọc Linh giả không nhỉ.
2. Được sự đồng ý của già A Điện Biên, cậu thanh niên vẫn lặng lẽ theo sau nhổ một gốc sâm, chỉ vào phần rễ giải thích: Không chỉ cây trưởng thành, mà cả cây non cũng sẽ rụng lá vào mùa đông.
“Thông thường, cây sâm Ngọc Linh bắt đầu chín hạt vào cuối tháng 8. Ngoài hái hạt, người trồng sâm tranh thủ cắt lá để dưỡng củ vào mùa đông. Tất nhiên là, nếu không cắt, lá cũng tự rụng. Đừng nhìn thấy cây héo úa mà tưởng rằng cây chết. Nó vẫn đang sống, mình không nhìn thấy được thôi” – già A Điện Biên cho biết.
Theo đó, từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau là thời điểm sâm Ngọc Linh “ngủ đông”. Thế mới biết, cuộc sinh tồn của sâm Ngọc Linh không chỉ mạnh mẽ, dẻo dai khi nảy mầm, vươn lá, ra hoa, kết hạt, mà còn cả những lúc âm thầm mà bền bỉ dưới lòng đất.

Hiếm hoi lắm mới thấy một vài cây sâm Ngọc Linh còn lá. Ảnh: HL
Hiếm hoi lắm mới thấy một vài cây sâm Ngọc Linh còn lá. Ảnh: HL
Nói đến chuyện lá sâm, già A Điện Biên kể, ngày trước, mọi người chưa biết, đến mùa Đông, cứ để lá sâm tự rụng, hoặc cắt bỏ, những năm gần đây, lá sâm được thu mua với giá cao, vài ba chục triệu 1kg (khô), mỗi mùa, vườn sâm của già cũng thu hoạch được vài ba kg lá sâm. 
Theo Đông y, lá sâm Ngọc Linh chứa 16 loại saponin dammaran, 17 acid min, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1 % (trong khi sâm củ Hàn Quốc chứa 24 loại sponin). Vì vậy lá sâm Ngọc Linh cũng có tác dụng tốt đối với sức khỏe, có thể sấy khô để hãm trà hoặc ngâm rượu.
Bỗng nhiên tôi nhớ đến những bó lá sâm tươi roi rói, xanh mỡ màng được rao bán tràn lan trên mạng, thậm chí bày ở vỉa hè, kèm những lời quảng cáo “chuẩn lá sâm Ngọc Linh”, “cam kết hái tận vườn” với mức giá 2-3 triệu đồng mà ái ngại cho những ai trót mua.
Sau khi cắt lá, gọi là “dưỡng sâm”, người trồng lấy lau hoặc lá mục phủ một lớp dày trên mặt luống nhằm giữ ẩm cho củ sâm và chống xói mòn nếu có mưa to tạo thành dòng nước chảy ngang vườn sâm. Sau đó, tiếp tục tạo rãnh, đường thoát nước, tránh tình trạng nước tràn sẽ cuốn trôi củ sâm.
Đi hết vườn sâm của già A Điện Biên hiếm hoi lắm mới gặp vài cây sâm ra hạt muộn nên còn sót lại. Nhưng với anh bạn đồng nghiệp, thế đã là may mắn lắm rồi. 
Hết hít hà ngắm nghía, lại loay hoay chụp ảnh. Rồi tiếc hùi hụi khi nghe tôi kể về cảm giác được đi giữa những luống sâm với hàng nghìn gốc ở nhiều độ tuổi đang vươn lá xanh tươi.
Và anh hứa sẽ trở lại đúng vào mùa sâm sung sức nhất.
Có tiếng chào hỏi ngoài bìa rừng, rồi một người đàn ông đen đúa, kềnh càng đi vào. Hỏi ra mới biết là A Bên- người trồng sâm Ngọc Linh cùng khu rừng với già A Điện Biên. Trên tay là những cái bẫy có cấu tạo đơn giản, với dây thòng lọng buộc vào một thanh tre mỏng.
Bẫy chuột đấy. Mùa này, kẻ thù lớn nhất của sâm đến từ… lòng đất, đó là chuột. Chúng đi kiếm ăn vào ban đêm, cắn củ sâm, rất khó phát hiện. 
Mùa sâm Ngọc Linh sinh trưởng, có lá thì dễ phát hiện hơn, chỉ cần bị chuột phá, lá héo xuống là biết, mùa này, lá cắt hết, củ vùi dưới đất, chuột ăn hết cũng không biết được. Lơ là một chút sẽ mất nhiều tiền, nên phải canh, dùng đèn pin lùng khắp vườn sâm, rồi đặt bẫy nữa- A Bên cho hay.
Bây giờ thì sâm Ngọc Linh nổi tiếng lắm rồi, không chỉ trong nước, mà tiếng tăm “thần dược” còn lan đến ở những vùng đất xa xôi trên địa cầu. 
Hay đúng hơn, dù nổi tiếng từ lâu, nhưng đến nay mới được xác lập vị trí, được biết đến với danh xưng mới, đầy trân trọng và tự hào “Quốc bảo”. 
Từ năm 1995, tỉnh Kon Tum đã tổ chức đánh giá về sâm Ngọc Linh và năm 1997 bắt đầu thực hiện công tác bảo tồn sâm Ngọc Linh Kon Tum tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei thuộc dãy núi Ngọc Linh. Năm 2004, tỉnh đã triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng”.
Tiếp đó là hàng loạt những chính sách nhằm cụ thể hóa nỗ lực “cứu” sâm Ngọc Linh. Năm 2013, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch 31.742 ha. 
Đặc biệt, tỉnh Kon Tum đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó có Phương án cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp phát triển sâm Ngọc Linh (với diện tích khoảng 10.000ha); ban hành chính sách ưu đãi đặc thù về giống, đất đai...
Tháng 10/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đổi Giấy chứng nhận công nhận có vùng chỉ dẫn địa lý đặc trưng đối với Sâm củ Ngọc  Linh, mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý lên 9 xã, gồm Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei); Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông)...
Thành công hơn cả là những chính sách ấy đã làm nên sự thay đổi nhận thức và cách ứng xử với sâm quý của bà con dân tộc thiểu số vùng núi Ngọc Linh. Từ việc săn lùng sâm tự nhiên bán cho thương lái đến mua giống tự trồng hoặc liên kết với doanh nghiệp trồng sâm dưới tán rừng.
Và từ dáng ngồi hiền lành của già A Điện Biên, của A Bên bên luống sâm kia, ai biết được rằng, họ đang là những tỷ phú? Nơi núi rừng Ngọc Linh thâm u này, đã, đang và sẽ có nhiều tỷ phú từ trồng sâm.
Dưới lớp đất mùn đen thẫm, những củ sâm vẫn đang ngủ yên, chờ đến ngày nẩy mầm, ra hoa, kết hạt!
Hồng Lam (Báo Kon Tum/Dân Việt)
https://danviet.vn/kon-tum-len-nui-am-u-lac-vao-rung-sam-quy-hiem-nhin-khong-thay-gi-boi-lop-dat-ra-la-ca-gia-tai-lon-20210106235737637.htm

Có thể bạn quan tâm