Trước đây, người dân “ốc đảo” Măng Ri chỉ biết làm và sống dựa vào cây lúa. Nhưng nay, họ đã và đang từng bước trở thành tỷ phú nhờ “báu vật” mang tên sâm Ngọc Linh.
"Bắt" sâm Ngọc Linh về sống ở Măng Ri
Xã Măng Ri được xem là "ốc đảo" của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). "Ốc đảo" này cách TP.Kon Tum khoảng 120km, nơi được mệnh danh "thủ phủ" của dược liệu quý với các loại như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, đương quy, sơn tra, ngũ vị tử…
Không chỉ là một loại dược liệu quý, sâm Ngọc Linh từng được Chính phủ đánh giá là "quốc bảo" của Việt Nam. Loại sâm quý này được trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, quanh năm sương mù bao phủ.
"Ốc đảo" Măng Ri nằm trong lòng chảo, bao quanh bởi dãy núi Ngọc Linh cao khoảng 2.000m. Vì địa hình đồi núi cao nên người dân bản địa Xơ Đăng đều sống dựa vào những cánh đồng bậc thang. Cuộc sống kinh tế của bà con cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn, bấp bênh.
Vườn sâm tiền tỷ của gia đình anh A Chung. Ảnh: Trần Hiền |
Trên địa bàn xã Măng Ri đang triển khai 7 mô hình liên kết và đã trồng được 126.000 cây sâm Ngọc Linh do Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum đầu tư. Trong đó có 7 mô hình liên kết 87.000 cây; các hộ dân tham gia mô hình liên kết 39.000 cây. Dự án được triển khai chủ yếu trên 2 tiểu khu 217 và 218 xã Măng Ri. |
Những tưởng cuộc sống của người dân sẽ bình dị và đơn sơ như vậy, nhưng rồi một luồng gió mới đã thổi vào "ốc đảo" này: Năm 2015, nhiều doanh nghiệp đã về với Măng Ri và thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh. Nếu trước đây, người dân chỉ biết quay quanh cây lúa trên nương, thì những năm gần đây, họ đã được tuyển dụng vào chăm sóc vườn sâm cho doanh nghiệp. Nhận thấy giá trị kinh tế cao, người dân cũng mạnh dạn vay vốn chính sách để phát triển trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh.
Nhìn vườn sâm của mình đang phát triển từng ngày, anh A Chung (SN 1981) - Bí thư Chi bộ thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri, nhớ lại: "Ngày ấy, người dân chỉ biết đến làm lúa hay lên rừng lấy đôi ba cây thuốc về bán. Thời ấy, chúng tôi đã biết sâm Ngọc Linh nhưng không biết giá trị kinh tế của dược liệu này. Người dân chỉ lên rừng đào về để chữa bệnh hoặc bán với giá rất rẻ. Từ sau khi có các doanh nghiệp mở dự án trồng sâm và tuyển dụng người dân vào làm, người dân biết đến giá trị và kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh".
Sau khoảng thời gian dài đằng đẵng làm công nhân chăm sóc vườn, năm 2015 anh A Chung mạnh dạn đầu tư vay vốn để trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh. Từ kinh nghiệm được học và chăm sóc vườn cây trước đó, giờ đây mỗi năm anh thu về hàng trăm triệu đồng từ việc bán lá, cây giống. Cụ thể, năm 2020, anh A Chung đã bán được hơn 200 cây giống (khoảng 300.000 đồng/cây giống) cho người dân trên địa bàn. Ngoài ra, anh Chung còn bán lá sâm và hạt giống cây sâm cho khách hàng phương xa.
Làng nghèo bỗng nhiều tỷ phú...
Hiện anh A Chung sở hữu vườn sâm tiền tỷ với khoảng 1.500 gốc sâm Ngọc Linh có thời gian từ 1-5 năm tuổi, 300 cây sâm Ngọc Linh khoảng 5 năm tuổi. Khi đến 7 năm tuổi những cây sâm này sẽ có giá khoảng 100 triệu đồng/kg. Giá của những củ sâm này cũng sẽ phụ thuộc vào năm tuổi và trọng lượng củ, cao nhất có thể lên đến 250 triệu đồng/kg.
Tương tự anh Chung, gia đình anh A Chen (SN 1988, trú tại làng Chung Tam, xã Măng Ri) cũng thoát nghèo khó nhờ sâm Ngọc Linh. Anh Chen bộc bạch: "Trước đây gia đình tôi làm lúa, nhưng nghèo lắm. Mãi đến khi các doanh nghiệp thuê chăm sóc và canh giữ vườn sâm thì tôi mới có thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. May mắn hơn, doanh nghiệp còn hỗ trợ mỗi năm 100 cây giống sâm Ngọc Linh".
"Hiện tại, gia đình tôi sở hữu khoảng 1.000 cây sâm Ngọc Linh. Mỗi mùa tôi đều thu lá để dự trữ và hạt để ươm rồi trồng mới nhằm phát triển diện tích sâm Ngọc Linh - báu vật của "ốc đảo" Măng Ri" - anh A Chen cho hay.
Củ sâm Ngọc Linh trồng trên “ốc đảo” Măng Ri. Ảnh: Trần Hiền |
Hiện nay, mỗi hộ dân khi được thuê vào chăm sóc và bảo vệ rừng sâm sẽ được nhận thù lao từ 3-4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp sẽ hỗ trợ 100 cây giống sâm Ngọc Linh/hộ trồng và phát triển sâm. Hộ có ít thì khoảng vài trăm cây, hộ nhiều đã lên đến hàng nghìn cây. Với sự hỗ trợ ấy, người dân nghèo vùng "ốc đảo" đã có cơ hội sở hữu cho mình những vườn sâm Ngọc Linh tiền tỷ.
Xác định sâm Ngọc Linh là cây "xóa đói giảm nghèo", cây chủ lực của bà con người dân tộc thiểu số nên trong 5 năm trở lại đây huyện Tu Mơ Rông đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp cùng phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đến nay, toàn huyện đã trồng và phát triển hơn 600ha sâm Ngọc Linh, chủ yếu ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây…
Bảo tồn phát triển cây "báu vật"
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định: Việc phát triển trồng dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng bước đầu đã tạo ra nguồn thu rất lớn cho người dân bản địa. Hiện nay, có đến khoảng 80% số hộ dân người Xơ Đăng ở xã Măng Ri đang trồng, phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu.
"Đa số người dân đều nhận chăm sóc và liên kết với doanh nghiệp để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Bởi phần lớn các doanh nghiệp đều tham gia chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đặc hữu có giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế cao từ cây sâm Ngọc Linh. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện để người dân nơi đây phát triển kinh tế nhờ cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, để người dân có thể làm giàu chính đáng trên mảnh đất này".
Thấy được những giá trị lớn về kinh tế từ cây sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh Kon Tum đã có dự án "Bảo tồn phát triển cây sâm Ngọc Linh" từ năm 2005. Dự án này được triển khai trên địa bàn 7 xã thuộc 2 huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei. Mục tiêu của dự án, nhằm bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh, cung cấp giống, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trồng trong vùng dự án. Đồng thời, khuyến khích người dân trồng và xem đây là cây xóa đói, giảm nghèo. Qua đó, chính quyền cũng mong muốn bà con sẽ nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ cây thuốc quý.
Theo Trần Hiền (Dân Việt)