Nhờ việc hiến hàng nghìn mét vuông đất từ người dân, cây cầu nối thôn 6 đến làng Kon Rơ Sa, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đang được xây dựng, tạo thuận lợi đi lại và giao thương cho người dân.
Anh Nguyễn Ngọc Hùng, làng Kon Rơ Sa xã Tân Lập huyện Kon Rẫy hiến 2.642 mét vuông đất và rẫy càphê đang thu hoạch để làm cầu. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN) |
Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương, cây cầu nối thôn 6 đến làng Kon Rơ Sa, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đang dần hình thành.
Cây cầu hoàn thành sẽ giúp người dân làng Kon Rơ Sa rút ngắn được 15km sang thôn 6 và tới trung tâm huyện.
Cùng đó, hàng nghìn hécta hoa màu của người dân sản xuất bên kia sông sẽ không bị mất giá, ép giá khi đến mùa thu hoạch.
Trước đó, nhiều hộ dân ở làng Kon Rơ Sa muốn giao thương qua lại với bên ngoài phải qua sông Đăk Pne. Con sông lớn, vực sâu, mùa mưa dòng nước cuồn cuộn như muốn cuốn trôi tất cả.
Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã làm một cây cầu treo để giúp nhân dân đi lại thuận tiện. Cầu làm bằng khung sắt, rộng 1,5m, tải trọng 300 kg.
Vì bề mặt nhỏ, tải trọng ít nên chủ yếu chỉ có xe máy qua lại và lưu thông một chiều rất bất tiện. Hàng nghìn ha hoa màu của gần 250 hộ dân gặp khó khăn khi đến vụ thu hoạch.
Chị Nguyễn Thị Ngát, làng Kon Rơ Sa cho biết cầu treo nhỏ, không thuê được xe lớn để qua sông nên đến vụ thu hoạch, nông sản bán mất giá vì vận chuyển bằng xe máy, nhỏ lẻ, chi phí cao. Người dân rất mong muốn có cây cầu lớn để giải bài toán đi lại và thuận tiện cho việc giao thương.
Theo ông Đặng Tuấn Tịnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, nhiều năm qua, người dân địa phương có nguyện vọng xây một cây cầu lớn giúp giao thông thuận lợi khi qua vùng sản xuất trọng điểm của toàn xã.
Cầu mới đang thi công. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN) |
Trước nguyện vọng chính đáng của người dân, chính quyền xã đã đề xuất với huyện chủ trương xây dựng một cây cầu để thuận tiện cho việc đi lại cũng như giao thương.
Sau khi được đồng ý về mặt chủ trương, chính quyền địa phương đã tuyên truyền tới từng thôn để toàn thể nhân dân đồng thuận.
Cầu bê tông mới đang xây dựng có chiều dài 99m cùng đường dẫn 2 bên dài 460m, rộng 6m với tổng kinh phí 21 tỷ đồng.
Cầu được khởi công từ tháng 12/2019 và dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành. Để cây cầu được khởi công, 8 hộ dân ở xã Tân Lập đã hiến 8.200 mét vuông đất ở, đất sản xuất.
Điển hình, hộ bà Ngô Thị Tuyết Sương hiến 1.300m2, trong đó có 13m chiều dài mặt tiền trên Quốc lộ 24 có giá trị kinh tế rất cao; hộ ông Nguyễn Ngọc Hùng hiến 2.600m2; ông Trần Văn Xuyên hiến 2.400m2…
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, làng Kon Rơ Sa chia sẻ, sau khi nghe chủ trương xây cầu đi qua đất của 8 hộ dân trong xã, trên tinh thần tự nguyện người dân đã hưởng ứng nhiệt tình.
“Với người nông dân, đất là tài sản quý nhất nên khi có chủ trương kêu gọi nhân dân hiến đất xây cầu tôi đã có sự bàn bạc, thống nhất trong gia đình. Việc làm này mang lợi ích cho cộng đồng, khu dân cư để phát triển kinh tế, mình có thể hy sinh một chút vì cộng đồng,” ông Hùng khẳng định.
Ông Đào Đức Tiến, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kon Rẫy, chủ đầu tư dự án thừa nhận nhờ nhân dân ủng hộ chính quyền nên việc xây dựng cầu được thuận lợi. Chủ đầu tư chỉ đền bù hoa màu, không đền bù đất đai. Người dân không lợi dụng dự án làm thêm các công trình phụ để đợi nhận đền bù.
Cầu hoàn thành sẽ giải quyết được vấn đề vận chuyển nông sản, góp phần phát triển vùng trồng trọt cho nhân dân xã Tân Lập nói riêng và thị trấn Đăk Rờ Ve và xã Đăk Ruồng nói chung, vì diện tích canh tác của người dân phía bên kia cầu khoảng 3.000ha.
Có cầu, chi phí sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản cho người dân sẽ giảm nhiều; việc đi lại, học tập, giao lưu của người dân cũng sẽ thuận tiện hơn.
Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để mong ước của người dân trở thành hiện thực.
Theo Cao Nguyên (TTXVN/Vietnam+)