Sáng 28.3, UBND xã Tu Mơ Rông (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho biết đã có biên bản xác minh về trường hợp nghi mắc bệnh dại trên địa bàn.
Trước đó, ngày 25.3, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận điều trị, chăm sóc hỗ trợ cho một người nghi ngờ mắc bệnh dại. Bệnh nhân là bà Y.D (51 tuổi, ở thôn Đăk Neang, xã Tu Mơ Rông) nhập viện điều trị vì bệnh lý sỏi thận.
Bệnh nhân nhập viện với biểu hiện như: sợ nước, sợ gió, sợ tiếng động... ẢNH: TRANG ANH |
Trong quá trình điều trị, người bệnh có những triệu chứng như: sợ nước, sợ gió, sợ tiếng động, lên cơn hoảng loạn... Khai thác tiền sử, người nhà cho biết người bệnh từng bị chó cắn vào cuối năm 2022 và chưa chích ngừa vắc xin dại. Trên cơ sở đó, bệnh viện đã hội chẩn toàn viện và chẩn đoán theo dõi bệnh dại đối với bệnh nhân này.
Đối với những trường hợp bệnh dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Vì vậy, song song với công tác điều trị, chăm sóc hỗ trợ và giảm nhẹ, các bác sĩ cũng động viên tinh thần, tư tưởng cho người bệnh, người nhà... Hiện sức khỏe bà Y.D đang rất nguy kịch, gia đình cũng đã đưa bệnh nhân về nhà.
Theo ông Tiêu Viết Trinh, Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông, ngay sau khi nắm được thông tin vụ việc, trạm y tế xã đã đến nhà bệnh nhân để xác minh.
Theo người nhà, bà Y.D bị chó cắn vào cuối năm 2022. Sau khi bị chó cắn người này không đi tiêm vắc xin ngừa dại. Theo chủ hộ nuôi chó, sau khi cắn bà Y.D thì con chó vẫn sống bình thường. Đến tháng 10.2023, gia đình này đã giết chó làm thịt.
Bác sĩ Lê Vũ Thức, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, khuyến cáo những người nuôi chó, nuôi mèo nên tiêm phòng bệnh dại định kỳ cho vật nuôi và phải nhốt giữ, không nên thả rông. Đối với những người không may bị chó cắn, việc đầu tiên là phải rửa vết thương bằng nước sạch với xà phòng trong khoảng 15 phút. Sau đó tiếp tục sát khuẩn vết thương lại bằng cồn 70 độ hoặc là cồn iốt và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc xin, huyết thanh phòng ngừa bệnh dại.