TN - Đất & Người

Kon Tum nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia sản phẩm sâm Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với giá trị kinh tế cao, sâm Ngọc Linh hiện đang được tỉnh Kon Tum xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm này.
Sâm Ngọc Linh được người dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt.
Sâm Ngọc Linh được người dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt.
Tháng 6 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung sâm Ngọc Linh vào danh mục sản phẩm quốc gia, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Sâm Ngọc Linh cũng là sản phẩm quốc gia đầu tiên trong lĩnh vực dược liệu. Là một trong hai địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý sản phẩm Sâm củ Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đang có những bước đi vững chắc để bảo tồn, phát triển cây sâm và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm này.
Măng Ri là một trong hai xã của tỉnh Kon Tum thuộc khu vực địa lý của cây sâm Ngọc Linh. Đã từng có giai đoạn loại dược liệu này được đồng bào dân tộc Sê Đăng ở đây gọi là cây thuốc giấu bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên, nguy cơ mất nguồn gen quý cận kề. Việc cây sâm Ngọc Linh được khẳng định về giá trị dược liệu, bảo hộ về chỉ dẫn địa lý và có tên trong danh mục sản phẩm quốc gia thổi vào vùng sâm luồng sinh khí mới.
Đến Măng Ri bây giờ, câu chuyện trải dài trên những cung đường quanh co ở độ cao trên 1.000m mây mù bao phủ đều liên quan đến cây sâm. Với giá trị hàng chục triệu đồng một kg sâm Ngọc Linh tươi, người Sê Đăng ở đây coi loại cây này như báu vật, không chỉ là cây thoát nghèo mà còn là cây làm giàu. Anh A Đang, làng Đăk Dơn, xã Măng Ri, chủ nhân của trên 500 gốc sâm cho biết, người dân giờ có ý thức rất cao trong việc bảo vệ giống sâm Ngọc Linh.
Theo anh A Đang: “Hồi xưa bà con chưa nhận biết được cây sâm Ngọc Linh là loại cây quý hiếm thì bà con đi kiếm về đi bán. Nhờ sự tăng cường tuyên truyền của lãnh đạo xã về phát triển kinh tế, để không mất cây sâm Ngọc Linh bà con vào rừng già đi kiếm về trồng lại để không mất nguồn gốc của cây dược liệu”.
Cơ sở để tỉnh Kon Tum thực hiện và khẳng định sẽ thành công trong việc đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực, thành hàng hóa có tính cạnh tranh, thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia được bắt đầu từ cách đây hàng chục năm. Thời điểm năm 1991 khi tỉnh Kon Tum mới chia tách thành lập lại, dẫu còn bộn bề khó khăn, chính quyền địa phương vẫn dành cho cây sâm Ngọc Linh sự ưu tiên cần thiết để bảo tồn nguồn giống và mở rộng diện tích.
 Cây sâm Ngọc Linh.
Cây sâm Ngọc Linh.
Đến nay ẩn dưới những tán rừng nguyên sinh ở độ cao từ 1.800 đến 2.500m trên khối núi Ngọc Linh ở địa bàn hai xã Măng Ri, Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, các doanh nghiệp và người dân đã trồng được trên 325ha sâm Ngọc Linh. Từ thực tế phát triển diện tích sâm Ngọc Linh, nhiều mô hình liên doanh, liên kết giữa người dân với người dân và người dân với doanh nghiệp được hình thành là cơ sở vững chắc cho việc xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn.
Anh A Cheng, làng Chung Tam, xã Măng Ri, tổ trưởng 28 hộ liên kết trồng sâm với Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum, cho biết: “Bà con liên kết với Công ty rất thuận lợi. Lương hàng tháng họ trả 3 triệu đồng/tháng. Công ty còn lo gạo một tháng 25kg, rồi mỡ, mắm, bột ngọt bà con chỉ đi làm. Còn ngoài lương thì có sâm. Một hộ cứ một năm được 100 gốc. Ba năm là 300 gốc một hộ, rất có lợi”.
Để xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, cung cấp cho việc chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, tỉnh Kon Tum đang từng bước chuẩn hóa quy trình trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân những yếu tố cần thiết để trồng sâm Ngọc Linh, như cho thuê rừng với mức tạm thu mỗi năm 600.000 đồng một ha; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giống, quản lý thị trường nhằm ngăn chặn giống, loài, hàng giả không đạt chất lượng; thành lập Hội sâm Ngọc Linh để tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, hỗ trợ nhau trong bảo tồn, phát triển sản xuất và kinh doanh sâm Ngọc Linh.
 
Củ sâm Ngọc Linh hàng chục năm tuổi là tài sản có giá trị cao.
Củ sâm Ngọc Linh hàng chục năm tuổi là tài sản có giá trị cao.
Bên cạnh đó thống nhất công tác quản lý từ tỉnh đến cơ sở để kiểm soát chặt chẽ nhưng không cản trở và khuyến khích, động viên được mọi nguồn lực tham gia phát triển vùng sâm.
Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết: "Huyện tuyên truyền vận động bà con không mua những giống sâm lạ không phải là nguồn gốc sâm Ngọc Linh của huyện Tu Mơ Rông vào để trồng. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng vì sâm trồng phải nhờ đến rừng. Để đầu tư hiện nay UBND huyện đang lồng ghép tất cả mọi nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung cho ba xã Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây. Huyện cũng đã xây dựng một kế hoạch xây dựng trung tâm sâm của huyện”.
Là sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý, được bổ sung vào danh mục sản phẩm quốc gia vào tháng 6 năm 2017, cây sâm Ngọc Linh ở Kon Tum đang đứng trước thời cơ thuận lợi để trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum, cho biết, là quê hương của cây sâm Ngọc Linh, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm sâm Ngọc Linh là niềm tự hào, cũng vừa là trách nhiệm của chính quyền và người dân địa phương.  
Một vườn ươm cây sâm Ngọc Linh con nằm sâu trong rừng.
Một vườn ươm cây sâm Ngọc Linh con nằm sâu trong rừng.
"Kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh cũng như của các hội viên và nhân dân trong tỉnh là trồng giống đảm bảo và có bộ máy sẽ kiểm soát chuyện này. Từ khâu giống cho đến địa điểm trồng cho đến cách thức chăm sóc, vấn đề thu hoạch, bảo quản, đóng gói, nhãn hiệu. Từ một quy trình nghiêm ngặt như vậy sản phẩm ra thì chúng tôi cho đóng, đặt nhãn hiệu của sâm Ngọc Linh Kon Tum, tên riêng của doanh nghiệp đó và có mã vạch để truy xuất nguồn gốc” - ông Nguyễn Đức Tuy cho biết.  
Tiếp tục những bước đi vững chắc để xây dựng thương hiệu quốc gia sản phẩm sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum cũng đang phối hợp tốt với các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án về cây sâm.
Địa phương đã quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh rộng gần 32.000 ha tại 8 xã của hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông, trong đó diện tích vùng lõi trồng sâm gần 10.000 ha. Đến năm 2020 tỉnh phấn đấu trồng được 1.000 ha, sản lượng 190 tấn và đến năm 2025 trồng hết diện tích đất vùng lõi với quy mô công nghiệp. Mục tiêu của địa phương là sẽ đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ lực trong phát triển kinh tế, xã hội và đa dạng hóa nhiều loại sản phẩm để phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Khoa Điềm (VOV)

Có thể bạn quan tâm