Thời gian qua, hàng chục ngàn cây sâm Ngọc Linh của người dân trồng tại tỉnh Kon Tum bị chết hàng loạt do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh. Người dân đang "đứng ngồi không yên" vì ôm cục nợ.
Ôm nợ vì sâm Ngọc Linh chết hàng loạt
Clip: Sâm Ngọc Linh chết hàng loạt do sâu bệnh.
Đứng bên luống sâm Ngọc Linh của gia đình bị chết, anh A Thuất (trú tại thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) buồn rầu kể, vào tháng 4 vừa qua, tại huyện Tu Mơ Rông xuất hiện nhiều cơn mưa rồi từ đó cây sâm có dấu hiệu vàng lá và thối củ, chết dần.
Anh Thuất ước chừng, có khoảng gần 1.000 cây sâm Ngọc Linh từ 1-5 tuổi của gia đình bị chết do mưa, bệnh nấm, thiệt hại ước tính gần 250 triệu đồng.
Một cây sâm Ngọc Linh bị vàng lá. Ảnh: H.L |
"Gia đình tôi bắt đầu trồng sâm Ngọc Linh từ năm 2019 nhưng chưa khi nào thiệt hại nặng như năm nay. Toàn bộ số tiền tôi mua giống cây sâm Ngọc Linh giống và hạt sâm đều vay từ ngân hàng. Bây giờ, cây sâm chết hàng loạt, tôi không biết xoay sở đâu ra tiền để trả nợ đây", anh Thuất tâm sự.
Cùng chung hoàn cảnh với anh A Thuất, anh A Gẹo (trú tại thôn Pu Tá, xã Măng Ri) cũng có hơn 500 cây sâm Ngọc Linh bị chết do mưa đá, sâu bệnh.
Anh Gẹo bộc bạch: "Cách đây 3 năm, tôi có vay khoảng 50 triệu đồng để mua hạt giống sâm Ngọc Linh và cây sâm con về để gieo trồng ở độ cao 1.700m so với mức nước biển. Những năm đầu, cây sâm Ngọc Linh phát triển rất tốt. Tuy nhiên, cơn mưa bất ngờ xuất hiện vào tháng 5 khiến hơn 500 cây sâm từ 1-5 tuổi chết dần. Trước mắt, tôi cũng chưa có tiền để trả nợ nên tạm bán bớt trâu bò để trả. Tôi mong nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người dân để chúng tôi đỡ thiệt hại về kinh tế".
Hầu hết cây sâm Ngọc Linh chết đa phần rơi vào cây 1 năm tuổi. Ảnh: H.L |
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết, toàn xã có 22.570 cây sâm Ngọc Linh bị sâu bệnh, 639 cây thiệt hại do mưa đá.
"Việc cây sâm Ngọc Linh chết đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Vì vốn để đầu tư trồng sâm khá cao nên đa phần các hộ phải vay vốn ngân hàng, số ít phải bán trâu bò để lấy tiền đầu tư. Mặc dù cây sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao nhưng để trồng và thu hoạch được củ thì ít nhất phải mất từ 7-10 năm. Trong thời gian đó, nếu cây sâm có gặp rủi ro thì người dân chịu thiệt hại nặng", ông Trí nói.
Đề nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho dân trồng sâm Ngọc Linh
Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Tu Mơ Rông, tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 38.412 cây sâm Ngọc Linh bị sâu bệnh hại, 652 cây sâm bị chết do mưa. Toàn bộ cây sâm Ngọc Linh thiệt hại hầu hết rơi vào diện tích của người dân tự đầu tư trồng.
Các hộ dân tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông đang "đứng ngồi không yên" vì cây sâm Ngọc Linh chết hàng loạt. Hơn nữa, toàn bộ số tiền mà họ đầu tư trồng sâm hầu hết đều vay mượn ngân hàng. Ảnh: H.L |
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết, việc cây sây Ngọc Linh chết đầu tiên do cách trồng loại cây này của người dân chưa đảm bảo yêu cầu, gieo trồng quá dày. Bên cạnh đó, do thời biết diễn biến thất thường nên cây sâm bị sốc nhiệt rồi sinh bệnh và chết.
"Huyện sẽ phối hợp với ban ngành, địa phương đi kiểm tra thực tế các vườn sâm và xác định thiệt hại cụ thể của từng hộ dân. Từ đó, chúng tôi sẽ kiến nghị đối với các ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho các hộ dân đã vay tiền để trồng sâm Ngọc Linh.
Huyện Tu Mơ Rông đang đề nghị ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ dân bị thiệt hại khi vay vốn trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: H.L |
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị người dân nên sửa chữa, bổ sung mái che cho luống trồng sâm để mưa không tác động trực tiếp vào cây sâm nhằm hạn chế nấm lây lan bệnh. Về lâu dài, huyện cũng sẽ mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm cho các hộ dân biết để thực hiện hiệu quả", ông Quang nói.
Theo Hoàng Lộc (Dân Việt)